Nan giải thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở Cư San
Đã bước sang năm thứ 6 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng xã Cư San (huyện M’Đrắk) mới hoàn thành được 3 tiêu chí.
Theo Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM xã Cư San, 3 tiêu chí đã đạt gồm: quy hoạch và phát triển theo quy hoạch; hệ thống tổ chức chính trị xã hội; an ninh và trật tự xã hội. 16 tiêu chí còn lại vẫn chưa đạt, trong đó “nút thắt” khó gỡ nhất là các tiêu chí: thu nhập, hộ nghèo, giao thông, thủy lợi...
Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 của xã mới đạt 16 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 61,35%. Nếu so với tiêu chí NTM về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo phấn đấu đến năm 2020 đạt lần lượt là 41 triệu đồng/người/năm và dưới 7% thì vẫn còn khoảng cách khá xa để “cán đích”. Bên cạnh đó tiêu chí về giao thông, thủy lợi cũng khó hoàn thành khi tỷ lệ nhựa hóa, hoặc bê tông hóa đường giao thông của xã hiện chỉ đạt 30-32% và tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa đạt 15%.
Đường giao thông vào xã Cư San (huyện M’Đrắk) nhiều đoạn bị hư hỏng nặng. |
Một số tiêu chí khác cũng đạt ở mức thấp hơn rất nhiều so với quy định: về cơ sở vật chất văn hóa, mới có 5/12 thôn được đầu tư xây dựng hội trường thôn, đạt 41,66%, so với quy định là trên 90%; về nhà ở nông thôn, tỷ lệ hộ ở nhà tạm, dột nát trên 34%, số hộ có nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng khoảng 10% (theo quy định, tỷ lệ hộ không còn ở trong nhà tạm, dột nát là trên 90%, tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng là 75%). Các tiêu chí khác như: điện, trường học, chợ, bưu điện, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong nỗ lực đạt chuẩn của xã NTM.
“Từ nay đến cuối năm 2017, xã Cư San phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí NTM là điện và văn hóa. Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, xã rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành trong việc đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng...”
Ông
Vũ Văn Dũng
, Phó Chủ tịch UBND xã Cư San
|
Theo ông Vũ Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Cư San, nguyên nhân xây dựng NTM chậm là do xuất phát điểm của xã thấp. Cư San là xã vùng sâu, vùng xa có tới 99,8% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nền kinh tế chậm phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn còn nhiều bất cập, phương thức canh tác lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo khá cao... Khó khăn lớn nhất trong xây dựng NMT của Cư San là về nguồn vốn. Mặc dù những năm qua xã đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông, thủy lợi; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn nhưng do đời sống còn nhiều khó khăn nên sự đóng góp không đáng kể. Trong khi đó nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp trên địa bàn xã gần như không có, kinh phí thực hiện chương trình phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn ngân sách được cấp hằng năm, do đó khó hoàn thành các tiêu chí đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn như: giao thông, thủy lợi, cơ sở văn hóa, cơ sở thương mại nông thôn, trường học, môi trường…
Để tháo gỡ “nút thắt” xây dựng NTM, trong thời gian qua Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020; đồng thời chỉ đạo, đôn đốc tăng cường công tác tuyên truyền đến tận người dân. Qua đó đã vận động người dân đóng góp gần 2.000 ngày công, hiến 2.300 m2 đất và hơn 40 triệu đồng để sửa chữa, làm đường giao thông nông thôn, đập thủy lợi, xây dựng hội trường thôn, dọn dẹp vệ sinh môi trường... Cùng với đó, xã Cư San cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, như: mở lớp tập huấn, xây dựng các mô hình trình diễn có hiệu quả áp dụng vào thực tế nhằm thay đổi nhận thức của người dân về tập quán sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là phát triển cây keo, nuôi dê, heo rừng lai... Tuy nhiên những giải pháp này cũng mới chỉ đem lại hiệu quả bước đầu, chưa thật sự tạo chuyển biến lớn trong công tác xây dựng NTM của xã.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc