07:26, 06/09/2017
Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hội Phụ nữ xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức cụ thể. Qua đó đã tạo điều kiện cho nhiều chị em tích cực tham gia lao động sản xuất, cải thiện cuộc sống và khẳng định được vai trò, vị trí của tổ chức Hội Phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hội Phụ nữ xã Ea Tul hiện có 1.970 hội viên tham gia sinh hoạt tại 13 chi hội thôn, buôn. Là địa bàn có trên 98% dân số là người dân tộc Êđê, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trình độ canh tác còn lạc hậu lại hạn chế về vốn, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất nên cuộc sống của hội viên phụ nữ còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Hội Phụ nữ xã Ea Tul đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế. Trong đó, Hội Phụ nữ xã đã xây dựng các mô hình hùn vốn, vay xoay vòng, đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho trên 416 lượt hộ hội viên phụ nữ vay với dư nợ đạt trên 7,5 tỷ đồng, phối hợp với các ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao KHKT tới hội viên để áp dụng vào sản xuất.
|
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Ea Tul (huyện Cư M'gar) thăm mô hình phát triển kinh tế của Amí Duân (bên trái) ở buôn Sah B. |
Nhờ những biện pháp trên, cuộc sống của nhiều gia đình hội viên phụ nữ trên địa bàn xã đã được cải thiện rõ rệt. Trước đây, gia đình Amí Duân (buôn Sah B) gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Dù có nhiều đất đai nhưng do trình độ lạc hậu, chủ yếu theo tập quán, chưa biết áp dụng KHKT vào sản xuất nên trong nhiều năm, thu nhập của gia đình chị chỉ đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày. Cuộc sống của gia đình chị bắt đầu thay đổi khi chị tham gia sinh hoạt ở Hội Phụ nữ xã. Amí Duân thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, tham quan học hỏi các mô hình kinh tế có hiệu quả cao, được vận động thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó, chị đã thay đổi cách nghĩ, cách làm. Khu vườn 1,5 ha trước đây chỉ trồng độc canh cây cà phê thì đến nay Amí Duân đã mạnh dạn trồng xen thêm hồ tiêu và một số cây ăn trái như: bơ, sầu riêng. Vợ chồng chị còn nuôi thêm 2 con bò sinh sản, tận dụng những diện tích đất trống trong vườn để trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Để tiết kiệm chi phí cho sản xuất, chị đã biết tận dụng vỏ cà phê và phân bò ủ hoai mục làm nguồn phân bón cho cây trồng. Hiện nay, mỗi năm gia đình Amí Duân thu hoạch hơn 5 tấn cà phê, một số cây trồng khác đã bắt đầu cho thu bói và bình quân mỗi năm xuất bán 1 con bò thịt. Ngoài ra, vợ chồng Amí Duân còn nhận khoán chăm sóc 5 sào cà phê của Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Tul. Với nguồn thu nhập ổn định, gia đình chị đã xây dựng được nhà cửa khang trang và có điều kiện lo cho con cái ăn học.
Gia đình Amí Uch (buôn Sah B) cũng là hộ có nguồn thu nhập khá nhờ biết áp dụng KHKT vào chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Hiện nay, gia đình Ami Uch có 2,3 ha cà phê trồng xen trên 200 trụ hồ tiêu; chăn nuôi đàn heo ổn định với khoảng 15 con heo thịt và 3 con heo nái mỗi đợt, thậm chí có đợt cao điểm đàn heo của gia đình lên đến 35 con. Với cách chăn nuôi khoa học, sử dụng đệm lót sinh học để hạn chế gây ô nhiễm môi trường và tạo môi trường nuôi sạch nên đàn heo của gia đình chị phát triển tốt, ít dịch bệnh. Tùy theo số lượng heo nái sinh sản chị cho xuất chuồng 2 lần/năm với mỗi lần xuất bán từ 12-15 con heo thịt. Vườn cà phê nhờ được chăm sóc tốt nên cho năng suất ổn định bình quân đạt 2,7 tấn/ha mỗi năm. Amí Uch còn kết hợp nuôi gà với số lượng trên 100 con để tăng thêm nguồn thu nhập. Hiện nguồn thu nhập của gia đình Amí Uch sau khi trừ hết chi phí đạt trên 100 triệu đồng.
Nhờ những hoạt động thiết thực, hiệu quả, số lượng hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ trên địa bàn xã Ea Tul đã giảm từ 56 hộ năm 2012, nay xuống còn 36 hộ. Chị H’Nuen Niê, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Tul khẳng định, trong thời gian tới Hội Phụ nữ xã tiếp tục chú trọng đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, phấn đấu bình quân mỗi năm giúp cho từ 3-5 chị làm chủ hộ thoát nghèo bền vững.
H’Xiu Êban
Ý kiến bạn đọc