Trữ nước trong mùa mưa để chống hạn cho mùa khô
07:27, 06/09/2017
Ea Khal là một xã thuần nông của huyện Ea H’leo, canh tác chủ yếu cây cà phê, hồ tiêu, cao su... trên địa hình kéo dài khoảng 30 km qua nhiều đoạn đồi dốc.
Để chủ động chống hạn cho cây cà phê trong mùa khô, bên cạnh việc trồng cây che bóng, thời gian gần đây mô hình hồ trữ nước đang được đông đảo bà con trong xã áp dụng cho vườn cây nhà mình.
Mở đầu cho mô hình này là anh Bùi Ngọc Dực (36 tuổi), Bí thư Đoàn xã Ea Khal. Nhận thấy việc bơm tưới cho vườn cà phê nhà gặp không ít khó khăn, nhất là vào các đợt tưới cuối vụ do thiếu nguồn nước, năm 2007, học tập “mô hình nuôi tôm trên cát” ở miền Tây Nam Bộ về, anh mạnh dạn áp dụng cho 2 ha diện tích cà phê của mình. Đầu tiên, anh Dực chọn mặt bằng gần vườn cây, thuê máy múc đào hồ lót bạt có chiều dài 20 m, rộng 22 m, độ sâu 4 m, với 750 m bạt nhựa PE có độ bền cao phủ trên thể tích hồ 1.760 m3, lấp đất chèn chặt các cạnh tấm bạt hoặc xây một hàng gạch bao quanh bờ hồ để tránh nước mưa len lỏi vào vách ao gây xói lở bờ. Với tổng chi phí 25 triệu đồng, có thể trữ 1.200 m3 nước được bơm từ giếng lên vào thời điểm mạch nước dồi dào trong mùa mưa, anh Dực có thể tưới cho 1.000 cây cà phê trong cả mùa khô.
Hồ trữ nước với thể tích 1.200 m3 của gia đình ông Bùi Ngọc Giang (thôn 8, xã Ea Khal). |
Cũng cách làm này, ông Bùi Ngọc Giang (thôn 8) cũng đào hồ lót bạt đắp bờ bao xung quanh với thể tích 1.200 m3 (chiều dài 20 m, rộng 15 m, sâu 4 m). Ngoài lượng nước bơm từ giếng, ông còn tận dụng nước mưa từ trên mái nhà bắc đường ống dẫn vào hồ để trữ nước. Ông Giang chia sẻ, mùa khô năm ngoái kéo dài, nhưng nhờ cách làm này gia đình ông vẫn đủ lượng nước tưới cho hơn 2.000 cây cà phê xen tiêu trong đợt tưới cuối. Ông thả cá trong hồ để diệt lăng quăng cũng như tạo thêm nguồn thực phẩm sử dụng hằng ngày cho gia đình.
Với những ưu điểm như kỹ thuật đơn giản, kinh phí xây dựng thấp (20-30 triệu đồng), bạt dùng để lót hồ sử dụng được 5-10 năm, mô hình hồ trữ nước đã mang lại hiệu quả tích cực cho nhiều hộ trồng cà phê ở Ea Khal. Hiện trên địa bàn xã đã có hơn 100 hộ áp dụng mô hình này với thể tích hồ lớn nhỏ khác nhau tùy theo nhu cầu của từng hộ.
Hiệu quả từ mô hình hồ trữ nước ở Ea Khal giúp nông dân có thể an tâm trong quá trình sản xuất và chăn nuôi mùa khô hạn. Với kỹ thuật đơn giản, chi phí không lớn, hộ trồng cà phê (các khu vực thường khô hạn, thiếu nước) nên học tập làm theo để không phải lo cảnh thiếu nước tưới mỗi độ mùa khô về.
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc