Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với chiêu "bán hàng khuyến mãi" ở nông thôn

08:04, 13/10/2017

Đánh vào sự cả tin của một số người, nhất là ở vùng nông thôn, thời gian gần đây đã xuất hiện một nhóm người dùng chiêu thức bán hàng có khuyến mãi, chiết khấu phần trăm nhân dịp giới thiệu sản phẩm mới ra mắt…  để lừa người dân mua hàng.

Trong một dịp đi cơ sở, tôi đã tình cờ có mặt tại một “hội thảo” bán hàng do một nhóm người xưng là nhân viên của một công ty chuyên kinh doanh đồ gia dụng ở TP. Hà Nội đang làm chương trình chào hàng sản phẩm mới sắp ra mắt. Sản phẩm đầu tiên được nhóm thanh niên này đưa ra là bộ chén ăn cơm bằng sứ (6 chén  kèm theo 6 đôi đũa) được giới thiệu là hàng Việt Nam xuất dư đi Nhật Bản, có giá bán chỉ 160 nghìn đồng. Sau khi mời một số người dân lên mở hộp ra xem, kiểm tra về mẫu mã, một nhân viên trong nhóm đặt câu hỏi: “Nếu không có khuyến mãi với giá 160 nghìn đồng, bà con có ai muốn mua không? Công ty chỉ bán hàng cho những người có nhu cầu thực sự muốn mua để sử dụng chứ không mua chỉ vì có khuyến mãi, tặng quà! Vậy ai mua xin bà con đưa tay, sẽ có những bất ngờ cho bà con sau khi đăng ký mua sản phẩm này. Chỉ có 15 giây để bà con quyết định.” Trong lúc nhân viên này đếm thì một loạt cánh tay đưa lên với 160 nghìn đồng để có bộ chén. Một thanh niên khác đi thu tiền và phát phiếu nhận hàng cho từng người đã đăng ký mua. Bộ chén sau đó nhanh chóng được lấy từ trong xe ôtô 12 chỗ đậu sẵn ngoài sân đưa vào phát cho người dân. Sau khi xem không thấy có nhãn mác, thương hiệu thường được in dưới đáy chén như các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ được bày bán trên thị trường, tôi đã nói với một số bà con ngồi bên cạnh là nên cảnh giác, nhưng những người dân ở đây lại một mực tin là hàng của công ty uy tín và giá như vậy là rẻ (vì bộ chén nhìn bên ngoài thực sự bắt mắt). Phát xong chừng 20 bộ chén, giọng một thanh niên vang lên “Thế bà con có biết món quà đặc biệt dành cho mình là gì không? Là một tràng pháo tay ạ! Bà còn có buồn không, có ai muốn trả lại sản phẩm không ạ! Nếu ai trả lại sản phẩm thì chúng tôi sẵn sàng trả lại tiền cho bà con.” Không những không sản phẩm nào bị trả lại mà căn phòng còn trở nên sôi động hơn bởi những tiếng vỗ tay!

Sản phẩm thứ 2 được nhóm này tiếp tục giới thiệu là một chảo đa năng vừa dùng để nấu lẩu vừa chiên xào với giá trên 1,6 triệu đồng. Cũng tương tự như cách giới thiệu về bộ chén ăn cơm, trong khi nhân viên bán hàng đếm từ 1-15 thì có 2 cánh tay giơ lên. Sau khi nhận tiền đầy đủ, một thanh niên chờ sẵn bên ngoài và lấy từ trong xe ôtô ra 2 cái chảo đa năng giao cho người đã đăng ký mua. Cũng với “trò chơi” như khi bán sản phẩm đầu tiên, giọng nam thanh niên lại vang lên: “Bà con có muốn biết quà tặng đặc biệt dành cho sản phẩm này không ạ? Công ty sẽ hoàn lại toàn bộ số tiền những ai đã đăng ký mua sản phẩm này!”. Nhiều người với vẻ mặt tiếc nuối, người này quay sang người kia xuýt xoa, chồng thì trách vợ sao không chịu giơ tay… Trong lúc căn phòng xôn xao, thì giọng nam thanh niên lại vang lên: “Bà con đừng tiếc, còn nhiều sản phẩm và phần quà hấp dẫn nữa đang chờ bà con. Chỉ cần bà con xác định là mua sản phẩm vì nhu cầu sử dụng của gia đình, chứ không phải vì quà tặng nhé!”

 Sản phẩm thứ 3 là một nồi giữ nhiệt, giá hơn 1,8 triệu đồng, cũng như lần bán trước, nam thanh niên tiếp tục đếm từ 1 đến 15, những ai mua thì giơ tay đăng ký. Tuy nhiên, do nhiều người không mang đủ tiền nên chỉ có một số cánh tay giơ lên. Nhận thấy điều đó, người cầm micro nhanh nhẹn bảo: “Để bảo đảm công bằng cho những ai không chuẩn bị đủ tiền cũng được tham gia vào chương trình bán hàng của công ty, bà con chỉ cần đăng ký bằng 100 nghìn thôi ạ! Tôi xin được đếm lại, chỉ có 15 giây thôi nhé!”. Sau khi dứt tiếng đếm, gần 20 cánh tay đưa lên và gần 20 chiếc nồi được chuyển vào bên trong phòng. Và đương nhiên sản phẩm này bán với nguyên giá mà không có bất kỳ một quà tặng hay hoàn lại số tiền như sản phẩm trước, nhưng người dân ai cũng phấn khởi. Trong 30 phút chờ người dân về nhà lấy đủ tiền, nhóm bán hàng này còn bán thêm một số sản phẩm gia dụng khác, người dân cứ vô tư mua mà không quan tâm chất liệu, xuất xứ sản phẩm.

 Thủ đoạn lừa đảo dưới hình thức bán hàng giá rẻ, bán hàng khuyến mãi không phải là mới, nhưng dựa vào sự thiếu cảnh giác, ham lợi nhỏ mà nhiều người dân chất phác ở nông thôn bị sập bẫy, sản phẩm trong quá trình sử dụng lỡ có hư hỏng thì cũng không biết tìm ai vì nhân viên bán hàng đã “cao chạy xa bay”.  Thiết nghĩ, ngoài việc người dân cần nâng cao cảnh giác thì chính quyền địa phương cần tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho người dân, tránh bị kẻ xấu lừa đảo. 

Ngọc Khuê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.