Chàng kỹ sư trẻ khởi nghiệp từ mô hình trồng rau an toàn
Sau một thời gian học tập và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, chàng kỹ sư thực hành chuyên ngành Xây dựng cầu đường bộ Nguyễn Đức Phú (SN 1995) quyết định trở về Đắk Lắk trồng rau với lý do đơn giản là để thỏa mãn đam mê.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành Xây dựng cầu đường bộ từ tháng 5-2016, Phú ở lại TP. Hồ Chí Minh làm nhân viên Marketing tại một công ty với mức lương ổn định trên 10 triệu đồng/tháng. Thế nhưng sau đó 1 năm, chàng kỹ sư trẻ quyết định trở về quê ở thôn Ea Tút, xã Pơng Đrang (huyện Krông Búk) để lập nghiệp.
Nhà Phú có 4 sào đất vườn đang trồng cà phê, mỗi năm cho thu nhập bình quân trên 60 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình và cũng chính vườn cây này đã giúp bố mẹ nuôi cả 3 anh em Phú ăn học. Khi nghe ý tưởng của Phú về việc phá cà phê trồng rau, ban đầu gia đình anh kịch liệt phản đối, phần vì muốn con có công việc nhàn nhã hơn với tấm bằng Kỹ sư, phần vì e dè với láng giềng bởi con đi học xong lại về lại làm rẫy. Tuy nhiên, bố mẹ Phú sau đó nhận ra niềm đam mê và quyết tâm của con mình nên đã đồng ý.
Hằng ngày ông Nguyễn Thái Sơn (bên phải) - bố của anh Phú cùng chăm sóc vườn rau trong nhà lưới. |
Ông Nguyễn Thái Sơn (SN 1956), bố của Phú chia sẻ: “Cả đời bố mẹ dành cho con thì sá gì mấy sào cà phê. Nghĩ là vậy, nhưng lúc Phú thuê máy móc về phá bỏ vườn cây, vợ chồng tôi đã rơi nước mắt. Nghĩ đến bao công sức của hai vợ chồng từ khi khai hoang đất trống, trồng và chăm sóc từng cây cà phê”. Thương con, ông Sơn dốc bán hết 1,5 tấn cà phê tích trữ trong nhà được 60 triệu đồng để chung sức cùng con mua xi măng, cát, thép đúc cột bê tông, mua lưới, dây thép về làm nhà lưới trồng rau.
Tháng 5-2017, mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới của Phú đã hình thành và đi vào hoạt động với diện tích trên 3 sào, tổng vốn đầu tư gần 200 triệu đồng. Kỹ thuật trồng rau trong nhà lưới, ứng dụng công nghệ cao được Phú mày mò qua sách, báo và trực tiếp tham quan, tìm hiểu một số nhà vườn trong và ngoài tỉnh về áp dụng. Anh đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương tự động đến từng luống rau; dưới mỗi luống đều được bọc ni lông để hạn chế cỏ dại, giữ ẩm và các chất dinh dưỡng, đồng thời giúp tiết kiệm tối đa nguồn nước. Phú cho biết, so với việc trồng rau ngoài trời thì hệ thống nhà lưới sẽ giúp giảm tới 75-80% sâu bệnh hại tấn công; trời mưa lớn cũng không làm rau bị dập, thối lá; việc chăm sóc, bón phân đều thuận lợi.
Để chăm sóc rau và xử lý sâu bệnh, Phú sử dụng hoàn toàn bằng các biện pháp sinh học, mặc dù tác dụng chậm hơn khi sử dụng hóa chất nhưng an toàn với môi trường và sức khỏe của cả người trồng rau lẫn người tiêu dùng. Mô hình của Phú trồng đa dạng các loại rau, củ, quả như: đậu cô ve, dưa chuột, cà chua, xà lách, bắp cải, cà rốt... đạt năng suất ổn định, mỗi tháng bán khoảng trên 3 tấn rau các loại ra thị trường, thu lãi trên 30 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng cà phê như trước đây.
Do đây là mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao đầu trên của huyện nên Phòng NN-PTNT và các hội, đoàn thể của huyện Krông Búk đã tổ chức các đoàn về tham quan, đánh giá khả năng phát triển của mô hình. Mới đây, Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk đã trích gần 90 triệu đồng từ Quỹ Khởi nghiệp hỗ trợ gia đình Phú một số rau giống và lắp đặt một nhà lưới 350 m2 để mở rộng quy mô sản xuất. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã đặt vấn đề với Phú về việc thành lập một hợp tác xã rau an toàn tại huyện Cư M’gar để anh quản lý vận hành, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và thu mua rau của hội viên cung ứng ra thị trường.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc