Giải pháp cho cây hồ tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu
Hồ tiêu là cây trồng có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường thì tần suất, diện tích tiêu nhiễm bệnh ngày càng tăng, khó kiểm soát.
Dịch bệnh tăng cao
Hồ tiêu vốn là cây trồng kén đất, nhạy cảm với thời tiết, sâu bệnh. Thời gian qua nhiều nông dân vì chạy theo lợi nhuận đã trồng tiêu ồ ạt trên những diện tích không phù hợp, bỏ qua khâu kiểm soát dịch bệnh khi chọn giống khiến nhiều diện tích đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ do dịch bệnh hoành hành.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh hiện có gần 27.600 ha hồ tiêu (trong đó trồng mới hơn 5.560 ha), diện tích cho sản phẩm gần 14.900 ha với năng suất bình quân hằng năm khoảng 3,27 tấn/ha, tập trung tại các huyện: Cư Kuin, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ, Ea H’leo, Ea Kar…
Vườn hồ tiêu trồng dương gốc, có hệ thống tưới tiết kiệm nước tại huyện Cư M’gar. |
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, từ cuối năm 2016 đến những tháng đầu năm 2017 mưa kéo dài liên tục khiến hơn 1.069 ha tiêu ngập úng với các mức độ thiệt hại khác nhau. Trong đó hơn 534 ha chết từ 10-50%; gần 26 ha chết 50-70%; hơn 500 ha chết trên 70%. Về sâu bệnh hại, độ ẩm tăng cao khiến nấm bệnh phát sinh, gây hại trên diện rộng, đặc biệt là những vùng trồng tiêu không thích hợp tại các địa phương.
Cụ thể, bệnh vàng lá chết nhanh gây hại gần 580 ha, bệnh vàng lá chết chậm hơn 1.110 ha, các loại sâu bệnh hại khác hơn 1.080 ha. Bên cạnh đó, việc trồng tiêu ngoài quy hoạch khiến công tác phòng, trừ dịch bệnh kém hiệu quả.
Bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, toàn tỉnh có 21.406 ha hồ tiêu áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy trình của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nhưng hiệu quả chưa đạt như mong đợi.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết mưa nắng thất thường, thời gian mưa kéo dài trong nhiều ngày khiến độ ẩm tăng cao, dịch bệnh bùng phát. Mặt khác, một số diện tích trồng ngoài vùng quy hoạch, trên đất không thích hợp nên cây phát triển không cân đối, trong khi đó người dân không tuân thủ đúng quy trình nên hiệu quả công tác phòng, trị không đạt như mong muốn.
Tối ưu chi phí sản xuất thích ứng với thị trường
Trước nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu, biến động giá cả như hiện nay thì việc tối ưu chi phí đầu tư đang là giải pháp tiết kiệm, hiệu quả, được các nhà khoa học khuyến cáo.
Ông Phạm Công Trí, cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho biết, đa số diện tích hồ tiêu được trồng mới những năm qua đều có chi phí đầu tư cao do trồng vào thời điểm giá hồ tiêu đạt đỉnh. Do đó, hiện nay giá tiêu giảm mạnh khiến một số hộ bỏ bê công việc, trong khi đó nguy cơ dịch bệnh ngày càng gia tăng do tác động của nhiều yếu tố nên việc tối ưu chi phí phòng, chống dịch bệnh thông qua hoạt động sản xuất đúng kỹ thuật, tận dụng lợi thế tự nhiên đang được người trồng tiêu áp dụng. Điển hình của việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong việc sản xuất đó là trồng dương, vun gốc cho hồ tiêu.
Theo đó, thay vì đào hố trồng tiêu như trước đây thì bà con nông dân trồng cạn và vun gốc giúp vùng đất xung quanh gốc tiêu thoát nước tốt hơn, tạo sự thông thoáng, hạn chế bội nhiễm nấm ở phần cổ rễ và thân ngầm, góp phần cải thiện tình trạng chết nhanh trong mùa mưa bão.
Tương tự, giải pháp tạo hệ thống các hố tích mùn tiêu nước song song theo hàng giúp việc tiêu nước trên vườn tốt hơn, đồng thời cải thiện độ phì đất, giúp vườn tiêu sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài ra, việc áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân vào mùa khô vừa cung cấp nước đầy đủ, kịp thời cho hồ tiêu vừa hạn chế sự tổn thương bộ rễ so với cách tưới dí truyền thống…
Vườn hồ tiêu an toàn dịch bệnh ở huyện Krông Năng. |
Ông Trần Quang Hiếu, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc có vườn hồ tiêu rộng gần 2 ha cho biết, qua quá trình tham quan, tìm hiểu tại các vùng sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh thì thấy nhiều vườn hồ tiêu được người dân trồng các cây thiên địch như cỏ lạc, hoa cúc, muồng… thay vì làm cỏ trắng đã tránh tình trạng phơi đất giữa nắng nóng, hạn chế thoái hóa đất do nhiệt, bào mòn rửa trôi do mưa gió, giảm thiểu co giãn đất, giảm tổn thương bộ rễ tiêu. Do đó, gia đình đang thiết kế lại vườn cây, nhổ bỏ những cây bị bệnh, đào hệ thống rãnh thoát nước theo độ dốc của vườn và trồng thêm cỏ lạc làm thảm phủ đất.
Tận dụng lợi thế tự nhiên của mảnh vườn và các loài thiên địch có sẵn trong tự nhiên phục vụ sản xuất là một việc làm đơn giản với chi phí thấp nhưng hiệu quả phòng chống dịch bệnh cao, hạn chế việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo đảm sinh kế của người trồng tiêu trong giai đoạn khó khăn này.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc