Multimedia Đọc Báo in

Giải quyết thủ tục hành chính đất đai: Còn những "điểm nghẽn"

09:33, 10/10/2017

Với nhiều nỗ lực trong cải cách quy trình, thủ tục hành chính (TTHC) ở lĩnh vực đất đai của các ngành liên quan, bước đầu đã góp phần nâng cao khả năng tiếp cận đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, TTHC ở lĩnh vực này vẫn còn những "điểm nghẽn" cần tháo gỡ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường(TN-MT), hiện nay tổng số TTHC hiện hành, đang áp dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của sở trong lĩnh vực đất đai là 38 thủ tục. Trong số 130.616 hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC về lĩnh vực tài nguyên và môi trường được sở tiếp nhận 7  tháng đầu năm 2017, có 130.488 hồ sơ TTHC về lĩnh vực đất đai (bao gồm hồ sơ của tổ chức và hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh). Trong đó, số hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn là: 129.490, số hồ sơ giải quyết quá hạn là 1.003, số hồ sơ đang giải quyết là 10.814 TTHC. Một số địa phương hồ sơ trễ hạn còn nhiều như: Ea Kar (459 hồ sơ), Ea H’leo (197 hồ sơ), Lắk (103 hồ sơ), Krông Bông (87 hồ sơ), Krông Búk (89 hồ sơ)…

Về nguyên nhân dẫn đến hồ sơ TTHC bị trễ hạn, theo lý giải của một số địa phương sau khi thành lập văn phòng đăng ký đất đai (một cấp) trực thuộc Sở TN-MT, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc UBND các huyện, thị xã phụ trách, nhưng chuyển quyền sử dụng đất lại thuộc thẩm quyền của Sở TN - MT. Theo quy trình, sau khi UBND các huyện, thị xã làm xong bước một, phải chuyển lên Sở TN-MT để hoàn thành bước hai, hoàn thành 2 bước này, địa phương mới thực hiện khâu cuối cùng là cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất cho người dân. Tuy nhiên, sự phối hợp trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC giữa các phòng chuyên môn, giữa chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai với các đơn vị liên quan chưa hiệu quả; sự lơ là, thiếu trách nhiệm của một số cán bộ chuyên môn... đã dẫn đến số hồ sơ bị trễ hẹn.

Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của công dân tại bộ phận một cửa UBND TP. Buôn Ma Thuột.
Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của công dân tại bộ phận một cửa UBND TP. Buôn Ma Thuột.

Còn theo Sở TN –MT, việc chậm trễ trong quá trình cấp GCN quyền sử dụng đất nêu trên còn do trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ một số bất cập. Cụ thể, một số văn bản quy phạm pháp luật có các nội dung quy định còn chồng chéo, chưa rõ ràng. Chẳng hạn, theo quy định của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định trường hợp hợp lấn, chiếm đất, nay đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp hoặc làm nhà ở và không thuộc quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, xây dựng công trình công cộng thì người đang sử dụng đất được xem xét cấp GCN, nhưng theo quy định tại Chỉ thị 1685/CT-TTg, ngày 27-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ thì phải thu hồi để trồng lại rừng. Một số lớn diện tích đất chưa được cấp GCN tập trung chủ yếu vùng sâu, vùng xa do các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ hoặc đồng bào phía bắc di cư tự do đến khai hoang không đến đăng ký hoặc không nhận GCN vì phải nộp tiền sử dụng đất hoặc lệ phí trước bạ. Chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp do đó việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai gặp rất nhiều khó khăn cũng là nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết hồ sơ chậm trễ...

Để tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai tại địa phương, Sở TN-MT đã kiến nghị Bộ TN-MT đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2014/NĐ-CP, ngày 15-5-2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất theo hướng đất đã được sử dụng ổn định có nhà ở trước ngày 15-10-1993 (không phân biệt nguồn gốc sử dụng đất), không có tranh chấp thì được cấp GCN quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất. Sửa đổi bổ sung Quyết định số 11/2015/QĐ-TTg, ngày 3-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng miễn tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng di dân kinh tế mới theo kế hoạch của Nhà nước đang sử dụng đất có nguồn gốc đất do Dự án kinh tế mới chia, cấp. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Chỉ thị 1685/CT-TTg, ngày 27-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng quy định cụ thể thời điểm lấn chiếm đất lâm nghiệp, đất lâm nghiệp có rừng được cấp GCN quyền sử dụng đất cho phù hợp với Điều 23 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15-5-2014 của Chính phủ.

Để đạt mục tiêu đến năm 2018 hoàn thành việc cấp GCN lần đầu trên địa bàn toàn tỉnh với tổng diện tích 65.937 ha (tổ chức 8.089 ha; hộ gia đình, cá nhân 57.848 ha), Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND thành phố và các huyện, thị xã tập trung mọi nguồn lực thực hiện; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn. Hiện nay, Sở đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai rà soát, tổng hợp các tổ chức sử dụng đất chưa được cấp GCN, theo đó phân loại cụ thể các trường hợp đủ điều kiện cấp GCN; những trường hợp còn tồn tại, vướng mắc báo cáo Sở TN-MT để chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xem xét cụ thể đề xuất biện pháp giải quyết từng trường hợp. Đồng thời Sở tiếp tục rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh các quy định về đăng ký, cấp GCN cho phù hợp với thực tế, tiếp tục thực hiện cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc