Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ xây dựng mô hình tưới tiết kiệm theo Dự án VnSAT: Vì sao nông dân chưa "mặn mà"?

09:19, 02/10/2017

Công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê đã được ngành nông nghiệp triển khai tại Đắk Lắk hơn 5 năm và lợi ích về kinh tế, môi trường đã thấy rõ; tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình này trong thực tế lại gặp không ít khó khăn.

Cơ hội lớn

Với mục đích hỗ trợ ngành cà phê phát triển theo hướng bền vững, đến năm 2020 Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) sẽ hỗ trợ 208 mô hình trình diễn tưới tiết kiệm nước cho 69.000 ha cà phê khu vực Tây Nguyên. Dự án sẽ hỗ trợ 80% chi phí thiết kế và xây lắp, còn thiết bị là hỗ trợ 50%, nông dân chỉ cần bỏ vốn đối ứng còn lại là có hệ thống tưới tiết kiệm nước với nhiều ích lợi. Đến thời điểm hiện tại, Tây Nguyên đã có 90 hộ dân đăng ký xây dựng mô hình, đạt 140% kế hoạch năm 2017. Tuy nhiên, số hộ dân đăng ký lại tập trung vào tỉnh Lâm Đồng (55 mô hình), còn lại là các tỉnh Gia Lai (13 mô hình), Đắk Lắk (10 mô hình), Đắk Nông (9 mô hình), Kon Tum (3 mô hình). Ông Lê Văn Hiến, Giám đốc Dự án VnSAT Trung ương cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nông dân biết đến công nghệ tưới tiết kiệm nước và các chính sách ưu đãi của Dự án. Bởi, hiện nay nhiều nông dân trong vùng Dự án vẫn chưa biết đến Dự án khiến tiến độ triển khai chậm, trong khi đó do sức ép của biến đổi khí hậu và sự tụt giảm nguồn nước ngầm, ngành nông nghiệp Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều khó khăn về nước tưới, đặc biệt là cây cà phê - cây có nhu cầu tưới thứ 2 trong cơ cấu cây trồng chính của khu vực (chỉ sau cây lúa).

Người dân tìm hiểu về mô hình tưới tiết kiệm tại xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar.
Người dân tìm hiểu về mô hình tưới tiết kiệm tại xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar.

Dưới góc độ của nhà đầu tư, trực tiếp theo sát tiến độ thực hiện Dự án, ông Cao Thanh Bình, Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn về sản xuất cũng như chế biến, tiêu thụ nên Dự án đã đem đến nhiều ích lợi cho người trồng cà phê. Đây là cơ hội lớn để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình tổ chức lại sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm cho ngành hàng. Thế nhưng, các địa phương vẫn chưa nhìn nhận đúng để nắm bắt cơ hội dự án mang đến bởi hiện tại, tiến độ thực hiện vẫn còn quá chậm, trong khi đó, nếu không giải ngân hết vốn vay, việc gia hạn Dự án trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay rất khó thực hiện.

Công nghệ tưới chưa thích ứng với thực tế

Ông Nguyễn Bá Hán, xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin), một trong những nông dân đi đầu trong việc lắp đặt mô hình tưới tiết kiệm nước cho cà phê chia sẻ, mô hình được triển khai từ năm 2013 do Công ty Cổ phần tưới công nghệ Khang Thịnh lắp đặt. Gia đình đã đón tiếp rất nhiều đoàn tham quan do các doanh nghiệp, Dự án, cơ quan quản lý tổ chức cho người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu về công nghệ tưới tiết kiệm nhưng nhiều nông dân vẫn còn nghi ngại về tính hiệu quả cũng như sự bền vững của mô hình do kinh phí đầu tư ban đầu lớn nhưng lại khó bảo quản trong môi trường tự nhiên vườn rẫy, chỉ thích nghi ở những vùng có điện lưới, lại kén phân bón khi sử dụng kết hợp với tưới nước. Hiện nay trên thị trường, loại phân bón cho cà phê dạng hòa tan trong nước rất ít sản phẩm và chưa được nông dân tin dùng nên rất khó lựa chọn sản phẩm khi chăm sóc. Mặt khác, tập quán sử dụng nước theo cảm tính, không tính toán đến sự thiệt hơn lâu dài khi sử dụng nước quá nhu cầu của cây cà phê vốn đã in sâu vào tiềm thức của bà con, trong khi đó công nghệ tưới tiết kiệm nước lại tưới nước dựa vào nhu cầu của cây và tính bền vững lâu dài.

 Công nghệ tưới  tiết kiệm nước  bằng  hệ thống phun mưa tại gốc của  Viện  Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp  Tây Nguyên.
Công nghệ tưới tiết kiệm nước bằng hệ thống phun mưa tại gốc của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.

Đặc biệt, cây cà phê ra hoa, đậu quả dựa vào lượng nước của đợt tưới đầu tiên, do đó khi sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm ổn định, cây cũng có cơ chế phát triển khác hơn nên cũng cần thay đổi quy trình chăm sóc tương ứng, hợp lý để vườn cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, để nhân rộng mô hình này, ông kiến nghị các doanh nghiệp tham gia thị phần lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cần phải tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức để nông dân có sự hiểu biết nhất định về công nghệ tưới tiết kiệm. Đồng thời, cải tiến hệ thống tưới thích hợp với các máy bơm công suất nhỏ, có thể tận dụng điện năng lượng mặt trời… và có chính sách hậu mãi tốt để bà con an tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm.

Việc lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm là sự đầu tư sinh lời lâu dài, bảo vệ sinh kế của nông dân trước tác động của biến đổi khí hậu. Để nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm thì nên chăng Dự án yêu cầu doanh nghiệp cải tiến công nghệ để thích ứng với thực tiễn, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tập huấn kỹ thuật chăm sóc phù hợp với công nghệ mới cho nông dân.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.