Multimedia Đọc Báo in

Những chuyển biến tích cực trong quản lý khai thác khoáng sản

09:40, 27/10/2017

Với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp, siết chặt quản lý, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh ta đã có chuyển biến tích cực, trong đó, công tác lập quy hoạch, cấp giấy phép thăm dò, khai thác cát đã đi vào nền nếp.

Theo báo cáo đánh giá của Sở Tài nguyên – Môi trường, trên địa bàn tỉnh có hơn 50 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản cơ bản đáp ứng đủ và kịp thời nguyên liệu cát, đá cho hoạt động xây dựng.

Tuy nhiên, việc khai khoáng vẫn còn nhiều bất cập, giá trị sản xuất, đóng góp ngân sách chưa tương xứng với tiềm năng; hiệu quả kinh tế thấp; việc cấp giấy phép khai khoáng ở một số nơi chưa phù hợp với điều kiện thực tế, như việc cấp giấy phép khai thác đá xây dựng ở trung tâm đô thị (2 mỏ đá xây dựng tại tổ dân phố 5, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo), thậm chí gần hành lang an toàn hồ đập (mỏ đá Ea Tul, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan đô thị. Việc quản lý của các cấp, ngành còn chồng chéo, gián đoạn, tạo kẽ hở trong quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên, môi trường trong hoạt động khai khoáng...

Hoạt động khai thác đá tại mỏ đá Ngọc Vy (Krông Pắc).
Hoạt động khai thác đá tại mỏ đá Ngọc Vy (Krông Pắc).

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai nhiều giải pháp, từng bước lập lại trật tự trong lĩnh vực này.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, trong 9 tháng năm 2017, Sở đã tổ chức các đoàn kiểm tra các địa phương có hoạt động khai khoáng, trong đó tập trung ở 8 huyện gồm: Ea H’leo, Ea Kar, Krông Pắc, Krông Bông, Lắk, Cư Kuin, Krông Ana, M’Đrắk. Qua đó, tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Đến nay, các địa phương đã xác định khu vực cấm khai thác cát và tiến hành cắm mốc cấm khai thác trên các đoạn sông bị sạt lở, với tổng chiều dài 9.240 m, trong đó 9 đoạn có chiều dài 5.780 m trên sông Krông Ana thuộc địa bàn huyện Cư Kuin, Lắk, Krông Ana; 10 đoạn có tổng chiều dài 3.460 m trên sông Krông Bông. Việc đánh số thứ tự, gắn bảng hiệu lên các tàu thuyền hút cát được các đơn vị thực hiện nghiêm túc với 74 tàu khai thác cát của 15 đơn vị đăng ký số lượng và gắn bảng hiệu.

Đối với hoạt động khai thác cát trái phép của HTX Nam Sơn (Cư Kuin) do các xã viên chủ yếu là người địa phương, sinh sống bằng nghề khai thác cát từ năm 1976 cho nên để bảo đảm sinh kế của người dân, Sở và địa phương liên quan thống nhất phương án điều chỉnh cắt giảm phần diện tích được cấp phép khai thác của Công ty TNHH Hưng Vũ sang cho HTX Nam Sơn và hướng dẫn các đơn vị này thực hiện các thủ tục theo quy định, đồng thời yêu cầu HTX này chấm dứt hoạt động khai thác, tập kết cát trái phép.

Việc thu hồi giấy phép của HTX Giang Sơn cũng đang được các sở, ngành liên quan tiến hành, chấm dứt không cho phép gia hạn khai thác vì đơn vị này đã có những sai phạm liên quan đến nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Riêng đối với mỏ đá của Công ty TNHH xây dựng thương mại và dịch vụ Tân Thành Đạt tại thị trấn Ea Đrăng (Ea H’leo), Sở đã tham mưu UBND tỉnh đưa khu vực mỏ này ra khỏi quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản của tỉnh và đề nghị đơn vị này không được mở rộng khu vực khai thác hiện tại, chỉ được thu gom đá nguyên khai đã nổ mìn, san gạt các tảng đá treo, chấm dứt các hoạt động nổ mìn khai thác đá, thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, lập đề án đóng cửa mỏ trình cấp thẩm quyền phê duyệt, và tỉnh sẽ tiến hành thu hồi trong năm 2018...

  Chế biến đá granit tại Công ty TNHH Quốc Duy (Krông Bông).
Chế biến đá granit tại Công ty TNHH Quốc Duy (Krông Bông).

Ông Hoàng Xuân Ngân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết, thời gian qua, qua hàng loạt các biện pháp trên, tình hình quản lý khai khoáng trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Công tác lập quy hoạch, cấp giấy phép thăm dò, khai thác cát đã đi vào nền nếp. Qua đó, góp phần bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, hạn chế thất thoát tài nguyên, bảo vệ đê điều, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, bố trí lực lượng tuần tra tại các điểm nóng khai thác cát, sỏi trái phép để kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm và bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.