Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Ea Súp thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

08:00, 13/10/2017

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng” (TĐSXKDG) được hội viên nông dân huyện Ea Súp hưởng ứng tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Đến lập nghiệp tại xã Cư M’lan từ năm 1991, gia đình ông Trần Bình Trọng chăm chỉ làm thuê, thử nghiệm nhiều loại cây trồng nhưng không thành công do chưa quen khí hậu, thổ nhưỡng… nên kinh tế vẫn luôn khó khăn. Năm 2012, vợ chồng ông quyết định đầu tư vào cây mía. Từ vốn kinh nghiệm tích lũy, lại được Hội Nông dân huyện tạo điều kiện tham gia các chương trình tập huấn và được Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk bao tiêu sản phẩm nên vợ chồng ông đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng lên 14 ha. Ông vui mừng: “Cây mía rất dễ trồng, ít công chăm sóc, thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây, chất lượng đường cao. Công ty thu mua lại đặt ngay ở địa bàn huyện nên nông dân chúng tôi bớt lo lắng về quá trình vận chuyển và đầu ra sản phẩm”.

Đầu tư cây mía, mỗi mùa thu hoạch, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu về trên 280 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn trồng thêm 5 ha sắn và một số loại cây ăn quả khác. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ngày càng sung túc hơn.

Đại diện Hội Nông dân các cấp huyện Ea Súp tham quan vườn mía của gia đình ông Trần Bình Trọng (bên trái).
Đại diện Hội Nông dân các cấp huyện Ea Súp tham quan vườn mía của gia đình ông Trần Bình Trọng (bên trái).

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, nhiều hội viên còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hỗ trợ hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tạo việc làm cho nhiều lao động. Đơn cử như ông Nguyễn Ngọc Minh (Hội Nông dân xã Ea Rốk), từ phát triển mô hình trồng cây ăn quả, lúa nước, đến nay gia đình ông thu về hơn 250 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí), góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động ở địa phương. Hay như ông Bế Văn Đảng (xã Cư Kbang), với mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt, mỗi năm gia đình ông thu được khoảng 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương…

Từ hiệu quả thiết thực, phong trào Nông dân TĐSXKDG đã thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia. Chỉ riêng năm 2016, toàn huyện có 8.000 hộ/13.818 hộ đăng ký SXKDG, đạt 61,5%, trong đó có 2 hộ đạt cấp Trung ương, 35 hộ đạt cấp tỉnh, trên 2.900 hộ đạt cấp cơ sở…

 Để có được kết quả nói trên, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của các hội viên,  phải kể đến vai trò của Hội Nông dân. Hội đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan tạo điều kiện hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi; tổ chức hội thảo, tập huấn trang bị cho hội viên những kiến thức bổ ích về khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế để vận dụng vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả…

Song song với đó, Hội còn vận động mỗi chi hội giúp đỡ ít nhất 1 hội viên nghèo, 1 hộ SXKDG hỗ trợ 1 hộ nghèo bằng các hình thức: cho hội viên vay vốn với lãi suất thấp hoặc không tính lãi, hỗ trợ cây giống, con giống miễn phí… Trong năm qua đã có 258 hội viên nghèo được đăng ký giúp đỡ, trong đó có 114 hộ đã thoát nghèo. Chẳng hạn như gia đình ông Hoàng Văn Quốc (xã Cư M’lan), 2 vợ chồng không có công việc ổn định, thiếu đất sản xuất, nhà ở xuống cấp đã được Hội Nông dân xã vận động hỗ trợ ngày công và tiền để sửa sang nhà cửa, giúp gia đình yên tâm lao động sản xuất. Hay như gia đình hội viên Đàm Thị Nang (xã Cư Kbang) hoàn cảnh neo đơn, khó khăn được Hội Nông dân xã hỗ trợ kinh phí sửa chữa lại nhà…

Ông Phạm Văn Mạc, Chủ tịch Hội Nông dân huyện chia sẻ, Hội sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên khó khăn, chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân để phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của hội viên nông dân.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.