Thị xã Buôn Hồ: Tập trung xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thị xã Buôn Hồ là một trong 6 địa phương nằm trong vùng Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT). Hiện, thị xã đang tập trung xây dựng các mô hình sản xuất và tái canh cà phê bền vững, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số…
Chuẩn bị vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2017 - 2018, ông Y Jol Niê (ở buôn Klat C, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) khấp khởi hy vọng có được một vụ mùa bội thu. Đây là năm đầu tiên 1 ha cà phê của gia đình ông bắt đầu ra trái sau khi thực hiện mô hình “Ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi năng suất thấp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số” do Trạm Khuyến nông, Phòng Kinh tế thị xã triển khai. Ông Y Jol cho biết, vườn cà phê già cỗi, lại không rành kỹ thuật chăm sóc nên mỗi năm chỉ thu được gần 1 tấn cà phê nhân, trong khi đó công chăm sóc và chi phí đầu tư bỏ ra nhiều… Năm 2016, khi tham gia lớp tập huấn khuyến nông do Trạm Khuyến nông thị xã tổ chức, ông Y Jol được hướng dẫn cách ghép chồi cà phê đa dòng sản lượng cao như: TR4, TR9, TR11... Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật ghép chồi, chăm sóc, bón phân, tưới nước đúng kỹ thuật, đến nay hơn 95% gốc cà phê phát triển tốt, không có sâu bệnh hại; các chồi ghép phát triển được từ 7 đến 8 cặp cành; cành chính của cây phát triển tốt và đang phân cành thứ cấp.
Cán bộ Trạm Khuyến nông thị xã Buôn Hồ hướng dẫn người dân xã Ea Drông thực hiện mô hình tái canh cà phê. |
Vừa thu hoạch xong vụ bắp đầu tiên trồng theo mô hình “Bắp biến đổi gien NK67”, ông Y Thụy M’lô (ở buôn Tung Krah, xã Ea Đrông, thị xã Buôn Hồ) khấp khởi vui mừng khi hơn 1 ha bắp chăm sóc từ tháng 2 đến tháng 9 đã cho thu hoạch gần 8 tấn. Ông Y Thụy cùng 10 hộ dân trong buôn được Trạm Khuyến nông thị xã triển khai trồng bắp biến đổi gien NK67 trên diện tích 4,2 ha. Các hộ đều được Trạm Khuyến nông cung cấp 100% giống, 50% vật tư và phân bón. Bên cạnh đó, cán bộ của Trạm còn thường xuyên xuống tận vườn của từng hộ hướng dẫn cách chăm sóc. Giờ đây, các hộ đã thay đổi tập quán canh tác, giảm công chăm sóc, sử dụng đúng loại thuốc bảo vệ thực vật và phun đúng liều lượng, chứ không dùng tràn lan. Nhờ đó thu nhập tăng so với những năm trước đây.
Với mong muốn hỗ trợ bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với các mô hình, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp bền vững, tạo thu nhập ổn định, những năm gần đây Trạm Khuyến nông thị xã Buôn Hồ đã triển khai nhiều mô hình như: nuôi cá rô phi đơn tính tại thôn Tân Lập, xã Ea Blang, cánh đồng mẫu lớn, lúa Đắc Ưu… “Qua các mô hình sản xuất đã giúp người dân từng bước tiếp cận với các loại giống mới đem hiệu quả kinh tế cao, cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới Trạm tiếp tục thực hiện thêm 2 mô hình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tái canh cà phê ở xã Bình Thuận”, kỹ sư Y Tấn Niê, Phó Trưởng Trạm Khuyến nông thị xã cho biết.
Cùng với đó, nhằm từng bước chuyển đổi, xây dựng và hướng đến nền nông nghiệp bền vững, thị xã Buôn Hồ đã thành lập 6 tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững và đăng ký xây dựng mô hình trình diễn trồng tái canh cà phê, với sự tham gia của 286 hộ trên diện tích là 277,2 ha. Ông Lê Tuấn Anh, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã cho hay: “Phòng Kinh tế đang phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thành lập thêm các tổ hợp tác và tập huấn sản xuất cà phê bền vững ở các địa phương, trong đó tập trung hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; phân công cán bộ cũng như mời các nông dân điển hình tham dự lớp tập huấn cho nông dân nòng cốt để hỗ trợ về sản xuất và tái canh cà phê bền vững trong thời gian tới…”.
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc