Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện chuỗi giá trị chăn nuôi: Không nên lơ là khâu giết mổ

14:39, 30/10/2017

Sản xuất theo chuỗi giá trị đang là xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới. Hiện ở Đắk Lắk, chuỗi giá trị sản xuất cũng đang bắt đầu có những định hình rõ nét, nhưng chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt.

Lĩnh vực chăn nuôi có vẻ yếu thế hơn, bởi các khâu trong chuỗi giá trị này vẫn chưa liên kết được với nhau. Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, ngành nông nghiệp chỉ mới chú trọng khâu chăn nuôi, từ xây dựng mô hình đến tập huấn kỹ thuật, số công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng chỉ mới làm tốt khâu này chứ chưa tham gia nhiều ở khâu giết mổ, do đó, khâu giết mổ gần như bị bỏ ngỏ. Điều này dẫn đến, một khi khâu chăn nuôi tạo những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường thế giới và hướng đến xuất khẩu thì lại vướng ở khâu giết mổ không đạt chuẩn khiến việc tiếp cận với các bạn hàng nước ngoài gặp nhiều khó khăn.

1
Mô hình chăn nuôi heo gia công theo hợp đồng liên kết với doanh nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

 Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong 24 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được Chi cục kiểm tra và xếp loại trong năm 2017 thì không có cơ sở nào đạt loại A. Hầu hết các cơ sở giết mổ đều không có hệ thống cấp đông, bảo quản lạnh, không có chuỗi sản xuất thịt bảo đảm an toàn dịch bệnh... Trong khi đó, các nước có nhu cầu nhập khẩu đều yêu cầu phải có chuỗi sản xuất khép kín đến sản phẩm cuối cùng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện nay, việc triển khai quy hoạch giết mổ còn nhiều khó khăn do kinh phí đầu tư lớn nên chỉ mới dừng lại ở việc tập trung các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Theo đó, các chủ cơ sở giết mổ tự bỏ vốn để xây dựng lò mổ hoặc nâng cấp theo các tiêu chí đơn giản. Việc đưa gia súc vào giết mổ đa số là gia công, trả tiền theo đầu con hoặc trả tiền thuê theo dây chuyền, theo giờ. Hình thức này chưa phát huy được vai trò chủ cơ sở trong việc định hình chuỗi giá trị trong chăn nuôi.

Thiết nghĩ, khâu giết mổ là mắt xích quan trọng của chuỗi giá trị chăn nuôi vì nó quyết định chất lượng sản phẩm ở khâu cuối cùng. Nếu không chú trọng ở khâu này thì vô hình trung chúng ta tự loại mình ra khỏi thị trường quốc tế. Những bất cập ở khâu giết mổ từ việc quản lý đến kết cấu hạ tầng cần phải đặt ra để có định hướng phù hợp trong thời gian tới.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.