Thực hiện giết mổ nhân đạo tại các lò mổ truyền thống: Vẫn bị xem nhẹ
Những năm gần đây, chăn nuôi ở Đắk Lắk phát triển khá mạnh, không những số lượng, quy mô đàn gia súc tăng mà chất lượng cũng rất được xem trọng.
Nhiều trang trại sẵn sàng nhập giống bò, heo của Australia, Mỹ… và nuôi theo quy trình có chứng nhận sản phẩm sạch. Kết quả ở các khâu đều đạt khá mỹ mãn, tuy nhiên đến khâu giết mổ thì vướng do quy trình giết mổ ở Đắk Lắk không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là đối với gia súc nhập từ Australia. Đã có trường hợp, lô bò Australia nhập vào Đắk Lắk nhưng khi đem đi giết mổ thì bên giám sát của Australia không cho thực hiện vì các lò mổ ở Đắk Lắk không bảo đảm được vấn đề giết mổ nhân đạo đối với động vật như bên xuất khẩu yêu cầu nên phải chuyển xuống TP. Hồ Chí Minh để giết mổ.
Một cơ sở giết mổ gia súc truyền thống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh hiện có 34 lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và 168 điểm giết mổ đang hoạt động. Phần lớn, các lò mổ sử dụng công nghệ đánh ngất lạc hậu, thời gian chảy máu lâu, khiến động vật bị căng thẳng, đau đớn cực độ làm ảnh hưởng đến chất lượng thịt… Trong khi đó, Australia có Hệ thống bảo đảm chuỗi cung ứng của nhà xuất khẩu (ESCAS), trong đó quy định, ở các lò mổ, vào hôm trước hoặc trong ngày giết mổ, gia súc được cho ăn, uống nước, nghỉ ngơi. Trước khi bị giết, con bò được lùa vào trong lò mổ và phòng sốc điện (căn phòng này tách con vật với đồng loại của nó đang đứng bên ngoài). Tại đây, người ta dùng thiết bị truyền điện phóng thẳng vào não con vật khiến nó bất tỉnh (đối với heo, người ta có thể dùng khí carbon dioxide trong quá trình giết mổ). Sau đó, bò được treo lên móc, người ta dùng thiết bị chuyên dụng cắt vào động mạch của nó để “tháo máu”. Vì con vật đã bất tỉnh nên nó không hề cảm nhận được đau đớn trong quá trình này…
Khi các loại gia súc được nhập từ Australia về thì buộc nhà nhập khẩu phải tuân thủ ESCAS và được giám sát nghiêm ngặt vấn đề an sinh động vật. Tuy nhiên, tại các lò mổ truyền thống hầu như không đáp ứng được điều này, một phần do kết cấu hạ tầng các lò mổ đã lạc hậu và chủ các cơ sở chưa quan tâm đầu tư nâng cấp để theo kịp yêu cầu kỹ thuật hiện đại. Song điều đáng nói ở đây là vấn đề giết mổ nhân đạo đối với gia súc còn là khái niệm khá mơ hồ đối với nhiều người, ngay cả Luật Thú y được Quốc hội thông qua ngày 19-6-2015 cũng chỉ quy định “Giảm thiểu đau đớn, sợ hãi, đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học” (tại Chương II, mục I, Điều 21) nhưng không nêu rõ làm thế nào để thực hiện và giám sát điều này.
Rõ ràng, việc thực hiện quyền động vật trong giết mổ không chỉ là câu chuyện của người tham gia giết mổ mà đây còn là rào cản kỹ thuật khi chúng ta hội nhập. Do đó, muốn không bị loại khỏi “sân chơi lớn” thì ngành chăn nuôi cần sớm thực thi quyền động vật trong giết mổ.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc