Trồng rau thủy canh: Hướng mở cho sản xuất rau sạch
Trồng rau không cần đất (thủy canh) đang thu hút được sự quan tâm của nhiều nông dân yêu công nghệ cao. Điều này cũng đã tạo ra một hướng canh tác mới về sản phẩm rau sạch trên địa bàn Đắk Lắk.
Phương pháp trồng rau thủy canh tuy khá mới mẻ nhưng đã bắt đầu xuất hiện nhiều trên địa bàn Đắk Lắk với quy mô khác nhau.
Đơn cử như vườn rau thủy canh của hai chàng trai Nguyễn Anh Đào và Đặng Xuân Luận (thôn 4, xã Cư Ni, huyện Ea Kar), với diện tích 330 m2, chủ yếu trồng các loại rau ăn lá như xà lách, rau muống, cải, mùng tơi… Anh Đào cho biết, thủy canh là kỹ thuật trồng cây không cần đất mà trồng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng và các giá thể khác không phải là đất như trấu hun, vỏ xơ dừa, bột dừa, than bùn… đã được xử lý nấm bệnh.
Vườn rau thủy canh của hai chàng trai Nguyễn Anh Đào và Đặng Xuân Luận (thôn 4, xã Cư Ni, huyện Ea Kar). |
Trồng rau thủy canh có rất nhiều ưu điểm như tiết kiệm diện tích; không tốn nhiều công lao động do không phải làm đất, cày bừa, nhổ cỏ, tưới nước; có thể trồng nhiều vụ trong năm, ít bị ảnh hưởng bởi hiện tượng trái mùa như phương pháp trồng thông thường. Ngoài ra, do chủ động hoàn toàn về chất dinh dưỡng cung cấp cho cây nên chất lượng rau tươi ngon. Hiện sản phẩm rau của 2 bạn trẻ không chỉ phục vụ trong gia đình mà còn được nhiều người trên địa bàn huyện tìm đến mua.
Tuy nhiên, do mới trồng nên sản lượng rau chưa nhiều, mới cung ứng cho một số ít khách hàng có nhu cầu. Hai anh đang tiếp tục mở rộng diện tích và tạo thương hiệu rau an toàn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch trên thị trường.
Vườn rau thủy canh của hai chàng trai Nguyễn Anh Đào và Đặng Xuân Luận (thôn 4, xã Cư Ni, huyện Ea Kar). |
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nông nghiệp, mặc dù kinh phí đầu tư cao (khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/sào) nhưng do phương pháp thủy canh có nhiều ưu điểm nên được nhiều người ứng dụng, chủ yếu ở quy mô nhỏ.
Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý hiện nay là phân khúc thị trường rau thủy canh còn khá hạn chế, hiện mới tiêu thụ chủ yếu ở siêu thị, các cửa hàng rau sạch và bán trực tiếp cho người tiêu dùng bằng hình thức giao hàng tận nơi. Trong khi đó, giá thành sản xuất 1 kg rau thủy canh cũng rất cao, lên đến gần 25.000 đồng, khi đến tay người tiêu dùng thì giá sẽ đội lên khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg hoặc cao hơn nữa. Với mức giá trên thì nhiều người tiêu dùng sẽ khó tiếp cận với sản phẩm rau sản xuất theo công nghệ này do mức thu nhập của đại bộ phận người dân vẫn còn thấp.
Anh Nguyễn Anh Đào cho hay, dự định mở rộng quy mô để đưa sản phẩm rau sạch đến người tiêu dùng với giá tốt nhất (hiện sản phẩm của anh đang bán với giá ngang bằng giá thành sản xuất 25.000-30.000 đồng/kg) nhưng đang vấp phải khá nhiều khó khăn khi phần lớn người tiêu dùng trên địa bàn huyện vẫn chưa quan tâm đến sản phẩm rau sạch. Còn theo ông Trần Kim Hội, giá bán sản phẩm của ông đang khống chế ở mức 40.000 đồng/kg, việc khách hàng có tiếp cận được hay không thì cần phải thay đổi nhận thức về tiêu dùng sản phẩm.
Có thể thấy, việc ứng dụng rộng rãi phương pháp trồng rau thủy canh đang là tín hiệu tốt về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bước đầu đưa ra thị trường những sản phẩm rau có giá trị cao và được khá nhiều người đón nhận. Tuy nhiên, về lâu dài, với tình trạng sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ như hiện nay thì nguy cơ “tắc” đầu ra cho sản phẩm là điều khó tránh khỏi, do đó, ngành nông nghiệp cần sớm có định hướng và hỗ trợ nông dân theo hướng sản xuất chuỗi để xây dựng thị trường mục tiêu và thương hiệu cho sản phẩm, tránh sa vào vòng luẩn quẩn như phát triển rau an toàn trong thời gian qua.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc