Multimedia Đọc Báo in

Để chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện Krông Bông phát huy hiệu quả

08:29, 07/11/2017

Huyện ủy Krông Bông đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện giai đoạn 2015 – 2020, với  9 giải pháp quan trọng.

Trong đó tập trung vào các giải pháp tuyên truyền vận động; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; biện pháp canh tác; về giống, vốn; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; nhân lực; tranh thủ các dự án và lồng ghép hoạt động các hội, đoàn thể; về liên kết sản xuất và thị trường. Có thể nói, đây là định hướng chiến lược để các cấp ủy đảng, chính quyền từng địa phương vận dụng một cách sáng tạo, giúp nông dân thoát khỏi nghèo đói, phát triển kinh tế một cách bền vững.

Song trong thực tế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Krông Bông đang là bài toán khó cần có lời giải. Bởi lẽ, sau khi xóa bỏ cơ chế bao cấp, nền kinh tế kế hoạch không còn, mỗi hộ gia đình là một đơn vị kinh tế tự chủ, việc lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì, số lượng nhiều hay ít… đều do người dân quyết định, sản xuất vừa manh mún lại chạy theo phong trào, bất chấp cung vượt cầu, vì thế điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thường xuyên xảy ra khiến nông dân nhiều phen lao đao.

Mô hình trồng nghệ đỏ của một hộ gia đình ở xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông). Ảnh: K.Lê
Mô hình trồng nghệ đỏ của một hộ gia đình ở xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông). Ảnh: K.Lê

Bên cạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh, do địa hình đất đai của huyện Krông Bông phức tạp nên việc thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa để hình thành những vùng chuyên canh với những cây, con đặc thù của từng vùng miền gặp nhiều khó khăn, cần phải có lộ trình lâu dài.

Ngoài ra, một nguyên nhân khá quan trọng là nông dân còn thiếu thông tin về thị trường, các doanh nghiệp và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung, do đó chưa thực hiện được chuỗi liên kết từ khâu đầu tư sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, người nông dân vẫn phải tự mình “bơi” trong làn sóng thị trường.

Thiết nghĩ, để hiện thực hóa việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện Krông Bông trong thời gian tới, ngoài những giải pháp mà Nghị quyết số 04/NQ của Huyện ủy đã định hướng, trước hết mỗi địa phương cần phải xác định cây con chủ lực, phát huy được lợi thế cạnh tranh. Mạng lưới khuyến nông các cấp phải thực sự là “bà đỡ” của nông dân, thường xuyên gần gũi, tư vấn việc chọn cây, con giống, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, xây dựng các mô hình trình diễn để nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

 Các cơ quan chuyên môn, trong đó ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ công, thường xuyên dự báo thị trường, giúp nông dân tìm được đầu ra tốt nhất cho các sản phẩm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ để thực hiện tốt chuỗi liên kết, góp phần hạ giá thành sản phẩm và hạn chế rủi ro khi thị trường biến động. Đặc biệt, hệ thống chính trị các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần thay đổi nhận thức cho nông dân, coi việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi là một nhiệm vụ chính trị, là một tiêu chí để bình xét thi đua, đồng thời có biện pháp khuyến cáo kịp thời đối với những nông dân sản xuất không tuân thủ theo quy hoạch.           

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc