Multimedia Đọc Báo in

Ea Bar nỗ lực về đích nông thôn mới

10:25, 06/11/2017

Ea Bar là xã điểm nông thôn mới (NTM) của huyện Buôn Đôn. Theo kế hoạch trong năm 2015, xã sẽ đạt chuẩn NTM nhưng đến nay mới đạt được 16/19 tiêu chí.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trong đó, tiêu chí về trường học đang gặp khó khăn do thiếu vốn. Trên địa bàn xã có 8 trường học thì mới có 2 trường đạt Chuẩn quốc gia mức độ 1, các trường còn lại còn thiếu một số phòng chức năng, nhà hiệu bộ, thư viện, phòng học bộ môn, phòng bảo vệ, phòng y tế học đường,... Để hoàn thành tiêu chí trường học xã Ea Bar cần nguồn vốn hơn 18,5 tỷ đồng. Nguồn vốn này nằm ngoài khả năng huy động của địa phương nên phải chờ nguồn vốn của Trung ương. Ngoài ra, với tiêu chí hộ nghèo, giai đoạn 2011-2015, xã đã đạt chuẩn về tỷ lệ hộ nghèo dưới 7%, nhưng nay theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo của xã đã tăng lên 18,95% (676/3.567 hộ).

Một lò than đang “nhả” khói ở thôn 6, xã Ea Bar.
Một lò than đang “nhả” khói ở thôn 6, xã Ea Bar.

Điều lo lắng nhất của địa phương trong hành trình về đích nông thôn mới chính là tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, trong đó vấn đề ô nhiễm môi trường từ các lò than thủ công là nhức nhối nhất. Hiện, trên địa bàn xã có khoảng 60 lò đốt than thủ công nằm trong khu dân cư tập trung ở thôn 6, 7. “Những lò than tồn tại trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nặng, nên muốn giải quyết vấn đề này buộc phải di dời, thay đổi công nghệ đốt hoặc chuyển đổi nghề đốt than sang ngành nghề khác. Nhưng do đốt than ở đây đã tồn tại từ lâu, trở thành một nghề mưu sinh của người dân nên việc xóa bỏ tình trạng ô nhiễm do đốt than gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hùng cho hay.

Để về đích NTM trong năm 2018, xã Ea Bar đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện các tiêu chí còn lại. Đầu năm 2017,  Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết tăng cường quản lý, xử lý vi phạm, tiến đến chấm dứt hoạt động đốt than với nhiều giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền về tác hại của khí thải do đốt than gây ra đối với môi trường, sức khỏe của người dân... UBND xã cũng xây dựng phương án thành lập một khu vực đốt than tập trung cách xa khu dân cư; tích cực phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện và các doanh nghiệp tổ chức hội chợ việc làm, kêu gọi các dự án đầu tư để giải quyết việc làm, tìm kiếm đối tác để hỗ trợ những lao động trong các lò than có nhu cầu đi xuất khẩu lao động… Mới đây, huyện thành lập đoàn liên ngành gồm các ngành môi trường, công an, kiểm lâm, chính quyền xã... cùng vào cuộc để giải quyết việc đốt than gây ô nhiễm.

Các lò than ở thôn 6, xã Ea Bar nằm trong khu dân cư.
Các lò than ở thôn 6, xã Ea Bar nằm trong khu dân cư.

Bên cạnh đó, địa phương cũng tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất, tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động,… nhằm tăng thu nhập, phấn đấu bình quân mỗi năm giảm 4,5% hộ nghèo; tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi; cải tạo, nâng cấp hàng rào, cổng ngõ, công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi, vệ sinh đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp; triển khai phương án thu gom rác thải tại các trục đường trong khu dân cư; kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn trong việc tuân thủ các quy định về môi trường…

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.