Lắp đặt camera giám sát mỏ đá: Giải pháp tăng cường quản lý khai khoáng
Triển khai Nghị định số 158/NĐ-CP ngày 29-11-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, ngành chức năng của tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Trong đó, một trong những giải pháp được cho là hữu hiệu nhất là việc lắp đặt camera giám sát và trạm cân tại các mỏ đá.
Bãi tập kết cát trái phép ở cầu Giang Sơn (Cư Kuin). |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh có 67 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp còn hiệu lực, trong đó có 46 giấy phép khai thác đá xây dựng có sử dụng vật liệu nổ, 19 giấy phép khai thác cát xây dựng lòng sông, 2 giấy phép khai thác sét sản xuất gạch. Các mỏ được cấp phép khai thác đều có quy mô nhỏ và vừa, loại khoáng sản chính là đá bazan làm vật liệu xây dựng thông thường, cát xây dựng, sét sản xuất gạch. Sản phẩm chủ yếu phục vụ cho nhu cầu xây dựng tại địa phương, không có sản phẩm xuất khẩu. Sản lượng cát xây dựng hằng năm được UBND tỉnh cấp phép cho 19 giấy phép khai thác cát lòng sông với trữ lượng khoảng 500.000 m3/năm. Sản lượng đá làm vật liệu xây dựng thông thường hằng năm được UBND tỉnh cấp phép cho 46 mỏ đá khoảng 2 triệu m3/năm. Theo số liệu báo cáo kết quả hoạt động hằng năm của các đơn vị, sản lượng khai thác đá từ năm 2014 đến năm 2016 trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1,5 triệu đến 1,7 triệu m3/năm.
Về cơ bản các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản đã hoàn thiện các hồ sơ pháp lý theo quy định, các hồ sơ hoạt động khoáng sản được cấp phép phù hợp quy hoạch, có đề án khai thác, báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án cải tạo phục hồi môi trường, thiết kế mỏ... theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một số tồn tại như: việc lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản chưa tuân thủ đúng theo quy định; một số đơn vị thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ; khai thác khoáng sản gần các khu dân cư sau khi nâng công suất hoạt động để phục vụ các công trình trọng điểm dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường do bụi phát tán trong quá trình hoạt động và vận chuyển; thiếu phương tiện giám sát dẫn đến thất thoát nguồn thu...
Bãi tập kết cát trái phép ở cầu Giang Sơn (Cư Kuin) đang được các đơn vị di dời vào điểm quy hoạch. |
Để hạn chế tối đa các tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản cũng như chống thất thu thuế trong lĩnh vực này, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương siết chặt công tác quản lý, đồng thời thực hiện nghiêm túc quy định của Nghị định 158.
Ông Nguyễn Văn Thiềm, Trưởng Phòng quản lý khoáng sản (Sở TN-MT) cho biết, tại điều 42 của Nghị định 158 cũng quy định rõ tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp camera giám sát tại kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan; định kỳ hằng tháng, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thống kê, tính toán, cập nhật số liệu. Quy định này đang được các đơn vị chấp hành khá nghiêm túc, trong đó, có một số doanh nghiệp đã tiến hành lắp đặt trước khi có quy định bắt buộc của Chính phủ.
Tuy nhiên, đối với một số đơn vị có mỏ đá nằm ở vùng sâu, vùng xa, chưa kết nối được với mạng Internet thì việc triển khai thực hiện đang gặp khó khăn. Ngành cũng đang tổng hợp những khó khăn của doanh nghiệp, trên cơ sở đó có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp. Theo quy định đến hết năm 2017, các đơn vị phải hoàn thành việc lắp đặt trạm cân tự động, camera giám sát tại khu mỏ, kết nối Trung tâm điều khiển, tích hợp dữ liệu của Sở.
Năm 2018, ngành chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, nếu đơn vị nào không chấp hành việc lắp đặt trạm cân và hệ thống camera giám sát khi khai thác khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên sẽ bị xử phạt theo Điểm c Khoản 1 Điều 38 Nghị định 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản với mức phạt từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng. |
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc