Multimedia Đọc Báo in

Cho thuê vỉa hè phục vụ kinh doanh: Giải pháp quản lý trật tự đô thị

09:32, 25/01/2018

Sau hơn 1 năm triển khai cho thuê vỉa hè để phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa tại một số tuyến đường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, tình hình trật tự đô thị, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị đã có những tín hiệu tích cực.

Theo Quyết định số 2970/QĐ-UBND ngày 7-10-2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục các tuyến đường đô thị được sử dụng một phần đường để phục vụ kinh doanh, buôn bán hàng hóa tại TP. Buôn Ma Thuột có 22 tuyến đường được phép cho thuê. Cụ thể, đường: Nguyễn Công Trứ, Nơ Trang Lơng, Quang Trung, Phan Bội Châu, Hoàng Diệu, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Y Jút, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Mạc Thị Bưởi, Trần Bình Trọng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tông, Ngô Quyền và Lê Thị Hồng Gấm.

Phần vỉa hè trên tuyến đường Phan Bội Châu (TP. Buôn Ma Thuột) được cho thuê để kinh doanh, buôn bán.
Phần vỉa hè trên tuyến đường Phan Bội Châu (TP. Buôn Ma Thuột) được cho thuê để kinh doanh, buôn bán.

Thực tế cho thấy, sau khi triển khai việc cho thuê vỉa hè, tình hình trật tự đô thị đã được cải thiện đáng kể. Đơn cử như tại một số tuyến đường như Phan Bội Châu, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong… các hộ kinh doanh, buôn bán để xe, hàng hóa đã được sắp xếp gọn gàng, nằm trong phần kẻ vạch sơn và phạm vi vỉa hè mình đã thuê. Đặc biệt, khi thuê vỉa hè, các hộ kinh doanh, buôn bán buộc phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, cảnh quan, không gian; không lấn chiếm lối dành cho người đi bộ; không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của hộ gia đình, chủ công trình trên tuyến phố… nên không còn tình trạng lộn xộn, nhếch nhác như trước đây. Theo bà Nguyễn Thị Lan, một hộ kinh doanh trên tuyến đường Phan Bội Châu, kể từ khi thuê vỉa hè, gia đình đã yên tâm trưng bày hàng hóa trước cửa hàng cũng như giải quyết được nơi để xe cho khách hàng; hơn nữa là không còn nơm nớp lo sợ bị xử phạt vi phạm lấn chiếm vỉa hè.

Được biết, thời hạn thuê vỉa hè không quá 6 tháng với mức phí theo quy định là 35.000 đồng/m2/tháng. Người được ưu tiên thuê là những hộ dân nhà có mặt đường vỉa hè cho thuê. Trường hợp người xin phép sử dụng vỉa hè không phải là hộ gia đình, chủ công trình trên tuyến phố thì phải có sự đồng ý của hộ gia đình, chủ công trình đó.

Bà Phan Thị Minh Thảo, Trưởng Phòng Quản lý đô thị (UBND TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Việc cho thuê vỉa hè ở một số đoạn trên 22 tuyến phố nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh của người dân cũng như góp phần bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Song song đó, việc thu phí nhằm nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, tránh tình trạng tái chiếm”.

Một phần vỉa hè được cho thuê để kinh doanh trên đường Lý Thường Kiệt bảo đảm trật tự đô thị.
Một phần vỉa hè được cho thuê để kinh doanh trên đường Lý Thường Kiệt bảo đảm trật tự đô thị.

Có thể nói, năm 2017 là năm cao điểm các ban, ngành TP. Buôn Ma Thuột ra quân xử lý những vi phạm về lấn chiếm vỉa hè. Việc mạnh tay xử lý sai phạm lấn chiếm vỉa hè lòng đường ảnh hưởng trực tiếp đến không ít người mưu sinh nhờ vỉa hè. Trong khi đó, tài nguyên vỉa hè là tài nguyên công, cần được sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, giải pháp cho thuê vỉa hè phục vụ kinh doanh, buôn bán có thể nói là biện pháp lợi cả đôi đường khi mà giải quyết được như cầu công việc của người dân cũng như tạo nguồn thu nộp cho ngân sách Nhà nước.

Đến nay, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã cấp giấy phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè để kinh doanh, buôn bán cho 177 trường hợp với tổng diện tích trên 2.000 m2, số tiền thu được trên 419 triệu đồng. Trong đó, cho thuê để xe mô tô 64 trường hợp, kinh doanh 61 trường hợp và kinh doanh – để xe 52 trường hợp.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.