Chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Vì sao người dân chưa mặn mà?
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình lên doanh nghiệp, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, việc chuyển đổi này vẫn chưa được như kỳ vọng.
Khu vực hộ kinh doanh hiện là khu vực có số lượng rất lớn và nhiều tiềm năng. Do đó, để phát huy hiệu quả và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế của đất nước, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp. Một trong những hỗ trợ mang tính “vĩ mô” đã được quy định rất cụ thể trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14, có hiệu lực từ đầu năm 2018. Theo đó, khi hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật.
Cửa hàng có quy mô lớn của một hộ kinh doanh tại chợ trung tâm huyện Krông Pắc. |
Mặc dù không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp bởi mô hình hoạt động của mình đang vận hành tốt, nhưng ông Trung cũng thừa nhận việc đã từng bị các ngân hàng từ chối cho vay vốn để mở rộng quy mô kinh doanh vì không đủ tư cách pháp nhân. |
Điều dễ nhận thấy nhất là việc kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh có nhiều hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất là không có tư cách pháp nhân. Với quy định của ngành Ngân hàng, dù hộ kinh doanh có quy mô lớn đến đâu nhưng do không có tư cách pháp nhân nên không thể cho vay vốn, khiến mô hình hộ kinh doanh rất khó huy động vốn, nhất là nguồn vốn ưu đãi khi muốn mở rộng quy mô kinh doanh. Một hạn chế khác là phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo hình thức thuế khoán nên số thuế phải nộp sẽ phụ thuộc vào việc hiệp thương giữa hộ kinh doanh với hội đồng tư vấn thuế các cấp. Do đó, khi tình trạng kinh doanh không tốt cũng khó thuyết phục được hội đồng này giảm số thuế phải nộp. Vấn đề này sẽ được giải quyết khi chuyển sang doanh nghiệp, giá trị “đầu vào”, “đầu ra” rõ ràng qua chứng từ, hóa đơn, sổ sách nên việc thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ phù hợp tình hình kinh doanh hơn.
Sự hỗ trợ và lợi ích là thấy rõ, nhưng rất nhiều hộ kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện về quy mô doanh thu, lao động... vẫn không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp. Ông Vũ Tiến Trung, chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu, phân bón tại phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, doanh thu trung bình hằng năm của gia đình ông xấp xỉ 20 tỷ đồng, nhưng cho rằng mô hình kinh doanh này đang vận hành tốt nên chưa muốn chuyển lên doanh nghiệp. Nguyên nhân được đưa ra là khi chuyển đổi lên doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ các quy định về quản lý hóa đơn, chứng từ, sổ sách, kê khai thuế... trong khi cả gia đình không ai có nghiệp vụ kế toán. Đây gần như là tâm lý chung của các hộ kinh doanh, khiến họ e ngại trong việc chuyển đổi hình thức kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.
Từ nay đến hết năm 2018, Đắk Lắk phấn đấu có khoảng 8.050 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể hơn, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi sang doanh nghiệp.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc