Multimedia Đọc Báo in

Công tác xóa đói giảm nghèo ở Ea Nuôl cần sự "tiếp sức"

09:25, 29/01/2018

Xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) có đến 8 thôn, buôn nằm trong diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần một nửa số hộ dân của xã.

Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã nỗ lực trong công tác xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên do nguồn lực hạn chế nên việc đẩy lùi tình trạng đói nghèo gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của UBND xã, toàn xã hiện có 1.398 hộ nghèo, chiếm 48,64% tổng số hộ dân. Trong năm 2017, số hộ nghèo của xã đã giảm 3,29% so với năm 2016. Dù tỷ lệ hộ thoát nghèo chưa cao, nhưng với một địa phương còn nhiều khó khăn như Ea Nuôl thì đây là kết quả rất đáng ghi nhận.

Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã cho biết, những năm qua, địa phương luôn tranh thủ mọi nguồn lực để phát huy thế mạnh về đất đai, lao động nhằm đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới để người dân học tập, ứng dụng vào sản xuất. Nhờ đó địa phương đã có 2.145 ha cà phê, 299 ha tiêu, 180 ha điều, 230 ha cây ăn quả…

Những năm gần đây, đã có hàng trăm hộ dân của xã mạnh dạn phá bỏ những loại cây trồng kém hiệu quả chuyển sang trồng cam quýt và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Mỗi héc-ta cam quýt thu hoạch trừ chi phí cũng mang lại lợi nhuận vài trăm triệu đồng cho người trồng. Nếu tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, thì những loại cây ăn quả có múi này sẽ góp phần phát triển kinh tế cho địa phương”, ông Quyết cho biết thêm. Cùng với chuyển đổi cây trồng, người dân ở xã Ea Nuôl cũng đã chú trọng phát triển chăn nuôi, hiện có đàn trâu, bò 2.655 con, đàn lợn 9.200 con, đàn gia cầm 92.000 con. Toàn xã có 19 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với số lượng lớn.

Mô hình trồng quýt giúp gia đình anh Đoàn Duy Hiếu ở thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl)  nâng cao thu nhập.
Mô hình trồng quýt giúp gia đình anh Đoàn Duy Hiếu ở thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl) nâng cao thu nhập.

Đi đôi với việc phát huy những tiềm năng, lợi thế có sẵn của địa phương, xã Ea Nuôl cũng tranh thủ nguồn đầu tư nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất để thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo. Trong đó, phải kể đến Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng làm đường giao thông cho buôn Ko Đung A dài 450 m, đường giao thông buôn Ko Đung B dài 700m, sửa chữa hội trường thôn Ea M'dhar 2... Bên cạnh đó, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên còn hỗ trợ kinh phí để phát triển sản xuất cho 5 nhóm nuôi dê sinh sản tại các thôn Hòa Nam 1, Hòa An, Đại Đồng, Hòa Thanh, Ea M'dhar 3; 2 nhóm nuôi gà thịt tại các thôn Hòa Phú, Tân Thanh; 3 nhóm nuôi heo thịt tại các buôn Niêng 2, Ko Đung A, buôn Ea M'dhar 1B với mức hỗ trợ 200 triệu đồng/nhóm; 2 nhóm nuôi heo nái sinh sản tại buôn Niêng 1 và thôn Tân Thanh, mỗi nhóm 220 triệu đồng…

Tuy nhiên, công tác xóa đói, giảm nghèo ở xã Ea Nuôl vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn bởi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cơ sở kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất thiếu thốn. Đơn cử, các tuyến đường nội đồng chính vẫn chưa được cứng hóa khiến việc vận chuyển vật tư nông nghiệp, nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn, chi phí sản xuất cũng tăng theo; hơn 100 ha đất sản xuất lúa nước ở cánh đồng Chu Lai 2 không có kênh mương thủy lợi nên chỉ sản xuất lúa một vụ, năng suất bấp bênh; nhiều hộ dân chưa chú trọng áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi nên năng suất, hiệu quả kinh tế thấp; còn 251 hộ thiếu đất sản xuất; nhiều người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước… “Đẩy lùi đói nghèo ở địa phương là nhiệm vụ hết sức gian nan. Trong thời gian tới, ngoài việc tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, hiệu quả, xã cũng rất cần sự “tiếp sức” của các cấp, các ngành đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như kênh mương thủy lợi, đường giao thông…”, ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl tâm sự.

Xã Ea Nuôl có 2.874 hộ, 12.070 nhân khẩu, hơn 5.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất của địa phương đạt 218 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người/năm, đã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.