Multimedia Đọc Báo in

Đào Nhật Tân trên đất Tây Nguyên

08:05, 31/01/2018

Những ngày này, dọc đường Hồ Chí Minh đoạn qua tổ dân phố Tân Hà 3 (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ), những vườn đào đang khoe sắc thắm, chuẩn bị đón Xuân.

Mặc dù còn hơn nửa tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhưng ở các vườn đào tại tổ dân phố Tân Hà 3, không khí của ngày Tết đã tràn ngập. Trên các vườn đào, chủ vườn hối hả vặt lá, khách đến mua đào ra vào không ngớt, nhiều bạn trẻ xúng xính áo quần đến chụp hình xuân. Hơn 10 năm nay, ở tổ dân phố Tân Hà 3 nhiều hộ dân đã trồng thành công giống đào Nhật Tân (Hà Nội) để bán trong dịp Tết, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chị Vũ Thị Hằng, một trong những người đầu tiên trồng loại cây này ở đây chia sẻ, khoảng 10 năm trước, những mảnh đất ở đây chỉ dùng để trồng cà phê, bắp, nhưng không hiệu quả, sẵn đợt Tết chị có mang một cây đào từ ngoài Hà Nội về chơi, sau đó mang ra vườn trồng thì thấy phát triển rất tốt nên đã mua vài trăm gốc về trồng thử. Dần dần, các hộ xung quanh cũng mạnh dạn phát triển loại cây này. Hiện vườn chị có khoảng 1.200 gốc đào, chủ yếu là đào phai, đào bích, ngoài ra còn một số loại đào quý như: đào đá, đào tuyết mới được chị trồng thử nghiệm trong năm 2017.

Khách  đến hỏi  mua đào  tại vườn của chị Hoàng  Thị Duyên.
Khách đến hỏi mua đào tại vườn của chị Hoàng Thị Duyên.

Để có những cây đào đẹp, người trồng đào phải trải qua quá trình chăm sóc công phu, từ việc tưới nước, uốn nắn, tỉa cành, đến phòng trừ sâu bệnh. Để hoa nở đúng vào dịp Tết, từ khoảng 2 tháng trước Tết, các hộ đã phải vặt lá, tập trung dinh dưỡng cho cây làm nụ. Đặc biệt, phải thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có cách điều chỉnh chế độ chăm sóc phù hợp, cho đào ra hoa đúng kỳ hạn. Thông thường, muốn có một gốc đào thế to đẹp, người trồng đào phải mất 5-10 năm chăm sóc. Tuy nhiên, tại đây chủ yếu trồng đào từ 1-2 năm rồi bán, chỉ có khoảng vài chục gốc cổ thụ (khoảng từ 5-20 năm) bởi trồng đến đâu người mua hết đến đó. Nhiều năm, các hộ trồng đào tại đây phải giữ đào lại, không bán hết để sang năm có gốc đào đẹp cho mọi người mua. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn đào hơn 1.000 gốc của mình, chị Hoàng Thị Duyên  tâm sự, chăm sóc cây đào cũng như chăm con nhỏ vậy, phải tỉ mỉ, chịu khó mới hy vọng đạt hiệu quả. Thời điểm gần Tết, ngày nào chị cũng tất bật tại vườn có khi đến tận 10 giờ đêm mới về nghỉ.

Những gốc đào tại đây hiện có giá dao động từ 200-500 nghìn đồng, đối với những gốc đào lâu năm có giá từ 1-7 triệu đồng tùy vào năm trồng và thế đào. Bên cạnh đó, các nhà vườn ở đây còn nhận chăm sóc và cho thuê đào về chơi dịp Tết. Thường thì những gốc cổ thụ từ 5-10 năm có giá thuê khoảng vài triệu đồng. Thời điểm giáp Tết, mỗi ngày ở đây đón vài chục, có khi vài trăm lượt khách trong và ngoài tỉnh đến hỏi mua đào, tuy nhiên đa số từ khoảng một tháng trước Tết, khách đã tìm đến để xem và đặt đào. Hiện tại, tổ dân phố Tân Hà 3 có 5 hộ trồng đào với gần 5.000 gốc để phục vụ nhu cầu của khách, mang đến thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho mỗi hộ.  

Diệu Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.