Huyện Krông Búk gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo
Nhận thức được tầm quan trọng của tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Krông Búk đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện, tuy nhiên, để giảm được tỷ lệ hộ nghèo theo đúng chuẩn nghèo đa chiều vẫn đang là “bài toán” khó.
Cư Kpô là một trong những xã điểm trong xây dựng NTM của huyện Krông Búk, mục tiêu đề ra là sẽ về đích NTM vào năm 2018. Tuy nhiên, đến nay xã mới hoàn thành được 16/19 tiêu chí, trong đó chủ yếu là những tiêu chí được Nhà nước hỗ trợ kinh phí như: y tế, giáo dục, nhà ở… Ông Nguyễn Trường Minh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, để hoàn thành các tiêu chí còn lại, xã đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nan giải nhất là tiêu chí về hộ nghèo. Theo ông Minh, hiện xã còn 246 hộ nghèo (chiếm gần 10%). Trong bối cảnh giá cả các mặt hàng nông sản bấp bênh, khí hậu thay đổi thất thường ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thu nhập của người dân như hiện nay, để giảm tỷ lệ hộ nghèo theo đúng chuẩn nghèo đa chiều (áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020) xuống còn 7%, đang là một áp lực đối với xã.
Không ít hộ đồng bào DTTS ở Krông Búk khó thoát nghèo do sản xuất manh mún. |
Theo ông Trần Trọng Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM huyện, thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Krông Búk đặc biệt chú trọng đến công tác giảm nghèo nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và thu hẹp khoảng cách kinh tế - xã hội giữa các vùng. Tuy nhiên do xuất phát điểm kinh tế của huyện thấp, kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; quy mô sản xuất nông nghiệp còn manh mún nên hiện nay huyện còn 2208 hộ nghèo, chiếm hơn 15%. Hơn nữa việc áp dụng quyết định chuẩn nghèo đa chiều khiến các hộ nghèo chủ yếu rơi vào hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ neo đơn, bệnh tật không có đất sản xuất hoặc người cao tuổi không còn khả năng lao động nên rất khó để giúp họ thoát nghèo.
“Đến thời điểm này, huyện Krông Búk mới chỉ có xã Pơng Drang đạt được tiêu chí hộ nghèo, còn lại hầu hết các xã khác đều gặp rất nhiều khó khăn với tiêu chí này, nhất là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như: Ea Sin (với 386 hộ, chiếm hơn 50%), Cư Né (514 hộ, chiếm 16%)...”
Ông Trần Trọng Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM huyện Krông Búk
|
Điển hình như gia đình ông Ngô Xuân Thành ở xã Cư Kpô, mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ một con bò và được vay 17 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế nhưng do đông con, vợ lại thường đau ốm nên nhiều năm nay gia đình ông vẫn nằm trong diện hộ nghèo. Hay như hộ bà H’Don Mlô ở buôn Ea Klok, xã Cư Pơng cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng vẫn chưa thoát nghèo.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, huyện Krông Búk sẽ có 4 xã đạt chuẩn NTM và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7%. Để đạt được mục tiêu này, huyện đang tập trung thực hiện các giải pháp như: quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa có việc làm, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở cho người nghèo, giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo và hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, ông Trần Trọng Nguyên cho rằng, để các xã có thể về đích NTM theo đúng lộ trình, ngoài sự nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, huyện rất cần nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và có những cơ chế, chính sách ưu tiên đặc thù các xã vùng sâu, vùng xa, từ đó huy động nguồn lực đóng góp của người dân, công ty, xí nghiệp để xây dựng các công trình thiết yếu như: đường liên thôn, liên xã, đường nội đồng... phục vụ nhu cầu sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc