Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Tháo gỡ "nút thắt" trong cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

13:15, 08/01/2018

Nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết về đất sản xuất, thúc đẩy kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển, huyện Krông Pắc đã tích cực, khẩn trương triển khai công tác hỗ trợ đất sản xuất cho những đối tượng thụ hưởng theo Quyết định 755 /QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Krông Pắc có 8.179 hộ nghèo, chiếm 17,5% dân số, trong đó có 5.327 hộ đồng bào DTTS, chiếm 65,68% tổng số hộ nghèo. Một trong những nguyên nhân trực tiếp, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS cao là do thiếu đất sản xuất, canh tác trồng trọt, chăn nuôi. Chính vì vậy, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định 755 về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, UBND huyện đã khẩn trương tiến hành khảo sát, rà soát các đối tượng này để xây dựng đề án triển khai thực hiện, kịp thời cấp đất sản xuất các hộ có nhu cầu. Kết quả khảo sát trên địa bàn huyện có 2.213 hộ có nhu cầu về đất sản xuất.

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Krông Pắc khảo sát diện tích đất vừa khai hoang cấp cho đồng bào DTTS tại xã Vụ Bổn.
Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Krông Pắc khảo sát diện tích đất vừa khai hoang cấp cho đồng bào DTTS tại xã Vụ Bổn.

Ông Phan Xuân Thủy, chuyên viên Phòng Dân tộc huyện Krông Pắc cho biết: “Quá trình triển khai việc cấp đất sản xuất cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có thể nói tương đối thuận lợi bởi quỹ đất tại một số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn vẫn còn, nên địa phương có phương án khai hoang, phục hóa”. Đơn cử như tại xã vùng sâu Vụ Bổn, nơi có 281 hộ không có đất sản xuất, Phòng Dân tộc đã lập hồ sơ khai hoang 59 ha, xây dựng đồng ruộng 1 vụ để giao cho các hộ này. Tại xã Ea Yiêng, huyện cũng đang san ủi mặt bằng với tổng diện tích 93 ha để cấp cho 367 hộ tại xã và buôn Cư Kniêl (xã Vụ Bổn).

Tương tự, Dự án định canh định cư tập trung cho đồng bào Mông di cư ngoài kế hoạch tại xã Vụ Bổn cũng đã tháo gỡ “nút thắt” lớn nhất về vấn đề đất đai khi UBND tỉnh quyết định thu hồi một phần diện tích đất của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Phước An, giao UBND huyện quản lý, sử dụng, cấp đất sản xuất cho hơn 400 hộ dân nơi đây. Việc khai hoang, phục hóa, thu hồi đất của các lâm trường không chỉ giúp địa phương có đủ quỹ đất cấp cho người dân thụ hưởng mà còn góp phần tăng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn.

Khảo sát diện tích đất cấp cho đồng bào DTTS tại xã Vụ Bổn.
Khảo sát diện tích đất cấp cho đồng bào DTTS tại xã Vụ Bổn.

Song song với việc chủ động khai thác quỹ đất, cấp cho hộ đồng bào DTTS, huyện Krông Pắc cũng đồng loạt triển khai các chính sách hỗ trợ khác theo Quyết định 775 cho đối tượng này, như: hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt, vay vốn đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi. Toàn huyện có 25 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, với tổng kinh phí thực hiện trên 28,6 tỷ đồng; có 7.322 hộ được thụ hưởng vốn vay sản xuất, với tổng nhu cầu là 121 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời giải ngân để người dân có kinh phí đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi.

Chính nhờ được cấp đất cũng như được hỗ trợ, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, đồng bào DTTS đã có điều kiện phát triển trồng trọt chăn nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, ổn định đời sống.

Theo Quyết định 755/QĐ-TTg, tổng số vốn để thực hiện các giải pháp khai hoang, phục hóa, xây dựng đồng ruộng… để cấp đất cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Krông Pắc là 66,4 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 33,2 tỷ đồng, số vốn còn lại địa phương vay Ngân hàng Chính sách xã hội. 

Đăng Triều

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.