Nan giải công tác bảo vệ, phát triển rừng ở huyện Ea H'leo
Huyện Ea H’leo có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn do nhiều chủ rừng quản lý với hàng chục dự án lâm nghiệp đang triển khai. Thời gian qua, rừng trên địa bàn huyện phải chịu nhiều áp lực, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển.
An ninh rừng vẫn “nóng”
Huyện Ea H’leo hiện có hơn 72.635 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng gần 49.450 ha, độ che phủ 37,06%. Trên địa bàn huyện có 24 đơn vị chủ rừng, gồm 4 công ty TNHH MTV, 1 nông trường thuê đất trồng, quản lý bảo vệ, phát triển rừng và 19 đơn vị thuê đất, liên kết thực hiện dự án trồng rừng, cao su và khoanh nuôi, quản lý bảo vệ rừng. Trong năm 2017, cơ quan chức năng huyện Ea H’leo đã phát hiện và xử lý 165 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu gần 280 m3 gỗ các loại, xử phạt hành chính 385 triệu đồng. Một trong những vụ việc vi phạm lâm luật xảy ra trên địa huyện gây xôn xao dư luận thời gian qua xảy ra vào cuối tháng 11 – 2017 là phát hiện tại lô 3, khoảnh 3 và lô 12, khoảnh 4, tiểu khu 22 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Phả tập kết hơn 45 m3 gỗ mới bị khai thác trái phép và nhiều phương tiện phục vụ phá rừng. Về vụ việc này, lực lượng chức năng huyện Ea H’leo đã khởi tố vụ án, điều tra và sẽ xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Gỗ bị khai thác trái phép tại lâm phần của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Phả. Ảnh: Cao Nguyên |
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở huyện Ea H’leo còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, huyện có địa bàn rộng, lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng còn mỏng, trang thiết bị phục vụ công tác và công cụ hỗ trợ của nhiều chủ rừng còn thiếu nên công tác quản lý bảo vệ rừng, tuần tra, kiểm tra kiểm soát lâm sản còn hạn chế, trong khi lâm tặc hoạt động ngày càng tinh vi, manh động, sẵn sàng chống đối lực lượng của chủ rừng và cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, công tác giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng rừng đã giao nhưng vẫn bị phá. Đối với các chủ rừng là doanh nghiệp tư nhân chủ yếu tập trung trồng rừng, cao su, ít quan tâm đến trách nhiệm bảo vệ rừng. Chưa kể, chính quyền một số xã chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm về bảo vệ, phát triển rừng và chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và các chủ rừng dẫn đến tình trạng chặt phá rừng, khai thác, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra. Ngoài ra, tình trạng đất canh tác của đồng bào tại chỗ nằm xen kẽ đất rừng của các doanh nghiệp và tình trạng di cư tự do cũng làm tăng áp lực lên rừng và đất rừng.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, năm 2018, huyện Ea H’leo sẽ thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát các điểm nóng khai thác, tập kết, mua bán, vận chuyển và chế biến lâm sản trái phép, phối hợp với kiểm lâm các huyện thuộc tỉnh Gia Lai để bảo vệ rừng thuộc khu vực giáp ranh; đồng thời tăng cường quản lý đối với rừng của cộng đồng, các doanh nghiệp, dự án thuê đất liên kết trồng rừng, trồng cao su và kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng.
“Nhức nhối” với các dự án lâm nghiệp
Một trong những vấn đề nan giải nhất trong công tác bảo vệ, phát triển rừng ở huyện Ea H’leo là quản lý các dự án lâm nghiệp. Trên địa bàn huyện có 25 chủ rừng, doanh nghiệp có dự án thuê đất trồng rừng, trồng cao su, khoanh nuôi quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể: 2 dự án thuê đất trồng cao su (tổng diện tích hơn 916 ha); 8 dự án thuê đất trồng cao su, khoanh nuôi bảo vệ rừng (gần 8.500 ha); 1 dự án thuê đất trồng rừng và khoanh nuôi bảo vệ rừng (gần 849 ha); 1 dự án trồng rừng, trồng cao su và khoanh nuôi bảo vệ rừng (hơn 310 ha); 2 dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng (hơn 581 ha); 1 dự án liên kết trồng rừng (1.028 ha) và 1 dự án trồng rừng, trồng cao su (gần 525 ha).
Một điểm tập kết gỗ lậu bị phát hiện vào tháng 11-2017 trên địa bàn huyện Ea H’leo. Ảnh: H.Nguyễn |
Đến thời điểm này, dự án trồng cao su, khoanh nuôi bảo vệ rừng của Công ty TNHH Hoàng Nguyễn (diện tích hơn 433 ha) tại xã Ea H’leo đã bị thu hồi do sử dụng sai mục đích. Với những dự án còn lại, theo đánh giá của UBND huyện Ea H’leo, nhiều dự án triển khai kém hiệu quả, năng lực quản lý, đầu tư và nhận thức về chủ rừng còn hạn chế và thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; thậm chí, một số chủ rừng thường xuyên không có mặt ở rừng của mình! Do đó, diện tích rừng, cao su trồng được đạt thấp, nhưng rừng được giao cho chủ dự án khoanh nuôi, bảo vệ lại mất đi. Đơn cử như: dự án của Công ty Cổ phần xây dựng Tân Phú Hưng có tổng diện tích gần 372 ha, trong đó diện tích quy hoạch trồng cao su hơn 341 ha, nhưng mới chỉ trồng được 26 ha (gần 7%); Công ty TNHH Rừng Xanh, trồng cao su đạt hơn 61% kế hoạch, nhưng để mất gần 77 ha rừng; Doanh nghiệp tư nhân Thuận Thiên trồng đạt 70% diện tích, mất hơn 75 ha… Chưa kể, nhiều diện tích cao su đã trồng của doanh nghiệp tỷ lệ sống đạt thấp, phát triển kém, bị ngập úng và chết. Trong khi đó, hàng trăm héc ta rừng giao cho các doanh nghiệp quản lý bảo vệ bị người dân dân xâm canh lấn chiếm, nên nhiều chủ dự án phải xin chuyển đổi mục đích sang trồng cây ăn quả; những dự án rừng không bị xâm lấn thì trữ lượng bị suy giảm.
Đối với các dự án trồng rừng, trồng cao su, quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ rừng nói trên, huyện Ea H’leo đã kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện, dự án nào không hiệu quả, kéo dài nhiều năm thì kiên quyết thu hồi.
Năm 2017, huyện Ea H’leo trồng được gần 33.200 ha rừng phân tán, đạt 110,5 kế hoạch. Đối với rừng tập trung tại các doanh nghiệp, chỉ đạt hơn 44 ha/350 ha (tương đương 12,6% kế hoạch). Nguyên nhân diện tích rừng trồng tập trung đạt thấp do các chủ rừng khó khăn về kinh phí, chỉ tập trung trồng cao su và nhiều diện tích bị người dân lấn chiếm. |
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc