Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh
Năm 2017 là năm thứ tư liên tiếp Chính phủ ban hành nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, ngày 6-2-2017 của Chính phủ về “Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020” với nhiều giải pháp quyết liệt.
Đổi mới phương thức hoạt động
Sau khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 23-6-2017 về việc tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI năm 2017 và các năm tiếp theo. Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai của đơn vị mình, trong đó cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện chỉ số về môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để triển khai thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả, trong đó chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, quy định của Nhà nước, nhất là các lĩnh vực đất đai, đầu tư, thuế…
Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: H. Gia |
Bám sát chủ đề CCHC năm 2017 là "Cải cách chế độ công vụ, công chức, nâng cao đạo đức công vụ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh”, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuộc các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong khởi nghiệp kinh doanh và đổi mới sáng tạo. UBND tỉnh chỉ đạo phải thực hiện niêm yết công khai minh bạch TTHC và tiếp nhận phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về cơ chế, chính sách TTHC; thực hiện nghiêm quy định xin lỗi bằng văn bản đối với việc giải quyết TTHC quá hạn; triển khai liên thông phần mềm quản lý văn bản tới toàn bộ các xã phường, thị trấn và tăng cường trao đổi văn bản giữa các cơ quan hành chính Nhà nước dưới dạng điện tử.
Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp
Để tạo điều kiện và môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động, toàn tỉnh đã ứng dụng “Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp Một cửa điện tử liên thông” đối với các thủ tục thuộc lĩnh vực xây dựng để giải quyết hồ sơ, TTHC cho các tổ chức nhằm giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính gia nhập thị trường của doanh nghiệp, thực hiện đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh kê khai thuế qua mạng, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, hỗ trợ người nộp thuế qua email, phần mềm… cũng được coi là một trong những giải pháp góp phần giảm thiểu chi phí khi thực hiện nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế. Theo thống kê, trong năm 2017, có 100% doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế qua mạng, 96% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. Thực hiện chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp mới thành lập, Cục Thuế tỉnh đã hỗ trợ miễn phí phần mềm kế toán cho 88 doanh nghiệp; phối hợp tư vấn hướng dẫn và làm thủ tục kế toán thuế, thủ tục đăng ký doanh nghiệp miễn phí; giảm 30% giá dịch vụ hóa đơn điện tử, giá dịch vụ chứng thực chữ ký số cho doanh nghiệp thành lập mới trong năm.
Hoạt động sản xuất của Công ty Bia Sài Gòn tại Đắk Lắk. |
Nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết cho vay. Nhờ đó, trong năm qua, toàn tỉnh đã ký kết hợp đồng tín dụng với 11 doanh nghiệp với tổng giá trị gần 1.200 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả được các tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn 0,5 - 1% /năm so với các khoản vay cùng lĩnh vực…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị, mục tiêu cuối cùng trong cải thiện môi trường kinh doanh là đem đến sự hài lòng cao nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chính vì vậy, để có được môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là vốn vay ưu đãi phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất, đổi mới công nghệ, nhằm bảo đảm tính bền vững, tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối điện tử trong giải quyết các TTHC, công khai minh bạch các hoạt động của chính quyền, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước thông qua môi trường mạng.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc