Multimedia Đọc Báo in

Trao cơ hội thoát nghèo cho người dân Yang Tao

15:22, 04/01/2018

Trong năm 2017, nhờ Dự án hỗ trợ bò giống sinh sản (thuộc Chương trình 135 của Chính phủ), nhiều hộ nghèo tại xã Yang Tao (huyện Lắk) được trao thêm cơ hội phát triển kinh tế gia đình, là động lực để họ vươn lên thoát nghèo.

Yang Tao là xã vùng III của huyện Lắk, cách trung tâm huyện khoảng 10 km, với 11 thôn, buôn, trong đó 6 buôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 2.226 hộ, với 8.761 nhân khẩu, riêng hộ đồng bào dân tộc thiểu số có 2.120 hộ, chiếm hơn 95% dân số. Trong các năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình chính sách, dự án tại xã Yang Tao được triển khai song tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương vẫn chiếm rất cao, với hơn 59% dân số.

Bò của hộ Y Đinh Lưk, buôn Yôk Đuôn.
Bò của hộ Y Đinh Lưk, buôn Yôk Đuôn.

Sau khi nắm bắt chủ trương về chương trình hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo, Ban giảm nghèo của xã đã thông báo, phổ biến nội dung của chương trình tặng bò đến ban tự quản các thôn, buôn; thông báo công khai và minh bạch về đối tượng thụ hưởng, nội dung và mức hỗ trợ, mức vốn được phân bổ trong thực hiện Chương trình. Đồng thời, thành lập đoàn công tác kiểm tra, khảo sát tại các hộ nhằm đánh giá thực chất để hỗ trợ đúng đối tượng. Theo đó, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn sẽ được ưu tiên hỗ trợ bò trước.

Buôn Dơng Yang có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm hơn 67% số dân, năm vừa qua có 3 hộ trong buôn được hỗ trợ bò từ chương trình trên. Là một trong những gia đình được hỗ trợ bò, anh Y Lương Kdang cho hay, nhà anh có đến 5 khẩu, nhưng chỉ có 1 sào đất trồng lúa một vụ, vợ anh lại bị bệnh lao từ nhiều năm nay, cuộc sống thiếu trước hụt sau, các con của anh cũng phải nghỉ học từ sớm. Đất sản xuất ít, các con nghỉ học nên anh rất lo lắng chúng hư hỏng. Từ ngày gia đình được trao bò, anh phân công các con thay nhau chăm sóc, cắt cỏ, nên dù có đi làm thuê xa cũng cảm thấy yên tâm hơn.

Tương tự, hộ anh Y Đinh Lưk, buôn Yôk Đuôn chia sẻ, vợ chồng anh cưới nhau được hơn 6 năm, khi ra riêng, bố mẹ vợ cho một góc vườn để dựng nhà tạm, đất đai sản xuất không có, vợ chồng anh đi làm thuê nay đây mai đó để có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày. Từ ngày có con nhỏ, vợ anh phải ở nhà chăm sóc con, nguồn thu nhập của gia đình cũng ít hơn. Nhiều lần hai vợ chồng đã bàn với nhau mua heo hoặc bò về nuôi nhằm tranh thủ thời gian nhàn rỗi để có thêm nguồn thu nhập. Song, bữa ăn hằng ngày còn chật vật, vốn trong tay không có nên mọi ý tưởng đều không thực hiện được. Cuối tháng 10-2017, gia đình anh được nhận bò từ Chương trình 135, ngoài thời gian đi làm thuê, hai vợ chồng anh thay nhau chăm sóc bò. Anh dự định, sau này bò sinh bê con sẽ để lại nuôi, khi nào có trong tay một đàn bò thì sẽ bán bớt để lấy tiền làm lại nhà.

Cuối tháng 10-2017, xã Yang Tao đã được phân khai 308 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135, qua đó, hỗ trợ 31 hộ nghèo trên địa bàn xã 31 con bò giống sinh sản.

Còn hộ chị H’Dinh Triêk, buôn Dơng Băk cũng thuộc đối tượng được trao bò sinh sản trong tháng 10 vừa qua. Hoàn cảnh gia đình chị rất khó khăn, cả nhà 6 miệng ăn, nhưng chỉ được 1 sào lúa nước, chồng chị phải đi làm công nhân trong TP. Hồ Chí Minh, con trai đầu của chị cũng phải nghỉ học sớm, đi làm thuê với mẹ. Vợ chồng chị ngoài lo bữa cơm manh áo của 2 đứa con, còn nuôi thêm cậu ruột năm nay 80 tuổi và bà ngoại 90 tuổi bị tai biến nằm một chỗ nhiều năm nay. Chị bộc bạch, mọi nguồn thu nhập của gia đình chị chủ yếu trông chờ vào đồng lương lao động thủ công ít ỏi của chồng gửi về từ TP. Hồ Chí Minh và tiền làm thuê của hai mẹ con chị ở nhà. Song, số tiền đó may ra đủ lo ngày 3 bữa ăn, còn lúc trái gió trở trời, cậu và bà ngoại trở bệnh, chị phải chạy vạy khắp nơi để lo thuốc thang, chăm sóc. Sau khi được ban tự quản buôn thông báo gia đình chị được hỗ trợ bò sinh sản, chị rất vui, bởi theo chị đó là một số vốn không hề nhỏ đối với mình. Từ ngày bò cái được giao về cho gia đình, ba mẹ con chị thay nhau chăm sóc, đến mùa thu hoạch lúa, chị đến các gia đình lân cận xin rơm về phơi làm thức ăn dự trữ cho bò. Ngoài ra, chị còn tận dụng khoảng đất trống trong vườn trồng thêm cỏ, chuối làm thức ăn bổ sung vỗ béo cho bò…

Chị H’Dinh Triêk chăm sóc bò của gia đình.
Chị H’Dinh Triêk chăm sóc bò của gia đình.

Dự án trao bò cái sinh sản không chỉ trao tư liệu sản xuất mà còn mang đến niềm tin về một cuộc sống ổn định và cơ hội thoát nghèo cho các hộ dân ở xã vùng III như Yang Tao.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.