Multimedia Đọc Báo in

Những người chăm hoa chờ Tết

09:38, 07/02/2018

Khi những ngày cuối năm đang cận kề, tại các nhà vườn, nhiều loại hoa phục vụ dịp Tết đã bắt đầu bung nụ, khoe sắc. Gửi gắm trong từng sắc hoa đó là kỳ vọng và cả những nhọc nhằn của người chăm hoa, bởi chăm cả năm, họ chỉ trông chờ vào Tết.

Để phục vụ Tết Nguyên đán, bà Nguyễn Thị Vân ở tổ dân phố 6, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) đã xuống giống 1.100 chậu Cúc pha lê. Nhờ thời tiết mưa nắng xen kẽ nên việc chăm sóc hoa thuận lợi, nguồn nước tưới hoa cũng dồi dào hơn năm trước. Với kinh nghiệm trồng hoa hơn 20 năm, việc chọn thời điểm xuống giống, phòng trừ sâu bệnh, điều tiết ra hoa được bà thực hiện thuần thục và chính xác. Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, khách sỉ và bạn hàng đã đến tận vườn đặt cọc. Hiện tại, toàn bộ hoa Cúc trồng chậu của bà Vân đã có chủ. Giá bán sỉ tại vườn dao động từ 190 nghìn đồng đến 480 nghìn đồng/chậu. Sau khi trừ chi phí, bà Vân nắm chắc lãi 150 triệu đồng.

Vườn cúc của bà Nguyễn Thị Vân (phường Ea Tam. TP. Buôn Ma Thuột) đã bung nụ.
Vườn cúc của bà Nguyễn Thị Vân (phường Ea Tam. TP. Buôn Ma Thuột) đã bung nụ.

Niềm vui được mùa Cúc pha lê của bà Vân cũng là niềm hy vọng của chị Nguyễn Thị Kim Ánh ở thôn Tân Hiệp, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) về vườn Lay ơn. Mặc dù vụ hoa năm ngoái, hơn 1 sào hoa Lay ơn chỉ thu được khoảng 40% vì bị bệnh, nhưng năm nay, chị Ánh vẫn mở rộng diện tích lên 1,5 sào với 15 nghìn  cây. Tuy một phần diện tích hoa vẫn bị nhiễm bệnh, nhưng nhờ được hỗ trợ kỹ thuật và xử lý kịp thời nên hầu hết đã trổ nụ đúng thời điểm với tỷ lệ hoa đạt lên đến 90%. Chị Ánh cho biết, mấy ngày gần đây, thương lái thường xuyên đến vườn để trả giá thu mua toàn bộ diện tích hoa của gia đình. Dù giá thương lái đưa ra đã có lãi nhưng chị vẫn muốn giữ lại bán từng đợt để chờ giá cao hơn. Chị đã bán 1 nghìn cành hoa sớm cho thương lái với giá 25 nghìn đồng/1 bình (10 cành) và sẽ xuất bán tiếp 2 đợt nữa trong khoảng ngày 20 - 25 âm lịch. Tuy nhiên, thành bại của vụ hoa phụ thuộc vào 2 đợt bán này, cho nên chị vẫn phấp phỏng chờ giá. Nếu hoa cận Tết vẫn giữ được giá 100 nghìn đồng/bình của năm trước hoặc cao hơn, chị sẽ thu lãi trên 20 triệu đồng.

Nếu như thời tiết năm nay được đánh giá là không ảnh hưởng nhiều đến các chủ vườn Cúc, Lay ơn thì đối với các chủ vườn hoa Mai, việc điều tiết ra hoa cho đúng dịp Tết đã gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Khánh,  chủ vườn mai tại thôn 9, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, thời gian lạnh kéo dài lại xen kẽ với những ngày nắng, mưa đột ngột nên người trồng Mai như ông gần như phải “ăn cùng Mai, thức cùng Mai”, theo dõi sát thời tiết để dưỡng cây, hãm nước, nhặt lá cho đúng thời điểm. Ngoài ra, chủ vườn cũng phải nắm rõ đặc tính riêng của từng cây Mai và sử dụng nhiều bí quyết trong nghề để “nuôi” được cây Mai khỏe, đẹp, sai bông, lâu tàn. Toàn bộ vườn Mai của ông Khánh có đến gần 200 chậu,  nhưng ông dự định chỉ cung cấp cho thị trường hoa Tết khoảng hơn 100 chậu mai từ 15–25 tuổi. Giá thuê Mai năm nay vẫn giữ ổn định so với những năm trước, dao động từ 2–10 triệu đồng/chậu. Khách của ông đa số là khách quen, đến tận vườn để lựa chọn, đặt cọc. Còn lại khoảng 50 chậu, ông dự kiến ngày 23 âm lịch sẽ mang bán tại chợ hoa khu vực Quảng trường 10-3.

Chị Nguyễn Thị Kim Ánh chăm sóc vườn Lay ơn.
Chị Nguyễn Thị Kim Ánh chăm sóc vườn Lay ơn.

Cũng gặp nhiều bất lợi về điều kiện thời tiết, vườn Đào của anh Đoàn Xuân Khâm ở thôn Đại Đồng, xã Ea Nuôl (Buôn Đôn) năm nay không được như mong muốn. Thời tiết nóng, lạnh thất thường ảnh hưởng nhiều đến việc chăm sóc cây và cho hoa đúng thời điểm. Trong 400 gốc Đào hiện có trong vườn, anh chỉ chọn 100 gốc đưa vào chậu để bán cho người chơi hoa vào dịp Tết, nhưng khi đưa vào chậu, gặp thời tiết nắng nóng kéo dài nên ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của cây. Mặc dù chăm cây chẳng khác nào chăm con nhỏ vậy, chịu khó, tỉ mỉ, gần như ngày nào cũng thường trực ở vườn cây, nhưng một số cây vẫn có dấu hiệu bị héo lá, nên anh buộc phải đưa cây trở lại vườn để phục hồi. Năm nay coi như anh thất thu vụ Đào.

Có thể thấy, những năm gần đây hoa của Đắk Lắk đã tự tin cạnh tranh với hoa từ các vùng khác ngay trên sân nhà cũng như các tỉnh lân cận. Vượt qua những nhọc nhằn, những người trồng hoa Tết đã và đang góp thêm hương sắc mùa Xuân, gửi gắm mong ước một năm mới tươi vui trọn vẹn.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.