Tăng cường công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán
Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, ngành thú y đã tăng cường công tác quản lý giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Tết Nguyên đán là thời điểm mà nhu cầu sử dụng các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của thị trường tăng đột biến vì vậy tình hình vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm cũng tăng mạnh. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến cuối năm 2017, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh có trên 1 triệu con và trên 10,4 triệu con gia cầm, sản lượng đạt trên 177.027 tấn thịt các loại; trên 200 triệu quả trứng. Toàn tỉnh hiện đang có 30 lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và 232 điểm giết mổ nhỏ lẻ đang hoạt động. Các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông bảo đảm thời gian trực 24/24 giờ, đồng thời kiểm soát được 90% số lượng động vật và sản phẩm động vật qua trạm, góp phần tích cực vào việc hạn chế, ngăn ngừa dịch bệnh gia súc, gia cầm thông qua con đường kiểm dịch vận chuyển.
Cán bộ thú y kiểm tra tình trạng đàn heo tại Cơ sở giết mổ tập trung xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar). |
Để bảo đảm không xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn tràn ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, Chi cục cũng đã thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP, vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, Đoàn đã kiểm tra các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn của 3 huyện Krông Năng, Buôn Đôn, Cư M’gar, thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra tại các huyện Krông Pắc, Ea Súp, Krông Ana…
Tại huyện Krông Năng, Đoàn đã kiểm tra cơ sở giết mổ tập trung ở xã Ea Toh. Tại đây, ngoài việc kiểm tra hành chính và điều kiện cơ sở vật chất, đoàn còn kiểm tra tình trạng tiêm thuốc an thần, bơm nước trước khi giết mổ… Chủ cơ sở giết mổ này cho hay, bình quân 1 đêm lò giết mổ khoảng 14-15 con heo, việc tuân thủ các quy định của thú y được cơ sở chấp hành tốt nhằm giữ uy tín của lò mổ và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, chủ cơ sở giết mổ đã chấp hành tương đối tốt các điều kiện về vệ sinh ATTP và Đoàn không phát hiện gia súc có biểu hiện bị tiêm thuốc an thần hoặc bơm nước. Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y Krông Năng, trên địa bàn huyện có 2 cơ sở giết mổ tập trung (1 cơ sở đã ngừng hoạt động để di dời ra khỏi khu dân cư) và khoảng 40 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Năm nay, giá nhiều loại nông sản xuống thấp, thu nhập người dân không cao khiến tình hình tiêu thụ thịt động vật trong những ngày giáp Tết không mạnh như mọi năm. Trạm cũng đã chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở tăng cường công tác kiểm tra tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ để bảo đảm sản phẩm thịt được an toàn đến tay người tiêu dùng.
Đại diện Đoàn kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y trao đổi với chủ của Cơ sở giết mổ tập trung xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar). |
Ông Trần Cao Khải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, qua kiểm tra của Đoàn cho thấy, điều kiện của các cơ sở giết mổ tuy đã xuống cấp, nhưng các chủ cơ sở cũng đã sửa chữa tương đối bảo đảm các điều kiện giết mổ; động vật đưa vào giết mổ cũng không có các hiện tượng bơm nước, tiêm thuốc an thần và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là tình trạng giết mổ tràn lan vẫn còn phổ biến, nhất là từ khi giá heo hơi giảm mạnh, người chăn nuôi đã tự “giải cứu” bằng cách tự giết mổ và đem ra bán ở lề đường, hè phố. Do vậy, Chi cục đã đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động này, yêu cầu những hộ dân muốn hành nghề giết mổ phải đem vào cơ sở giết mổ tập trung, có sự kiểm soát của thú y trước khi đem thịt ra bán ngoài thị trường để bảo đảm vệ sinh ATTP. Về phía người tiêu dùng, Chi cục khuyến cáo, nên chọn mua thịt gia súc, gia cầm tại những quầy hàng uy tín và sản phẩm có dấu kiểm dịch theo quy định của cơ quan chức năng để tránh tiêu thụ phải thực phẩm không bảo đảm ATTP.
Từ ngày 29-1 đến 2-2-2018, tỉnh đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại 11/15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (trừ các huyện M’Đrắk, Krông Búk, Cư Kuin, Krông Bông) nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về ATTP của các cấp, các ngành và việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. |
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc