Huyện Cư Kuin chú trọng xuất khẩu lao động
Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Cư Kuin đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân tham gia XKLĐ.
Xuất khẩu lao động là hướng đi đúng đắn vừa giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân lại giúp người lao động được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, rèn luyện tác phong làm việc ở các nước có nền kinh tế phát triển.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin cho biết, để giúp người dân dễ dàng nắm bắt thông tin tuyển dụng, chế độ đãi ngộ cũng như quyền lợi khi tham gia XKLĐ, hằng năm, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín tổ chức tuyên truyền, tư vấn về thông tin XKLĐ cho khoảng 3.000 người, nhờ đó số lượng người tham gia XKLĐ trên địa bàn huyện ngày càng tăng. Chỉ tính riêng năm 2017 đã có 70 người đi XKLĐ có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu theo làm các việc: cơ khí, điện tử, may mặc, chăn nuôi bò sữa, làm nông nghiệp…, tập trung ở các thị trường lao động có thu nhập cao, chế độ đãi ngộ tốt như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...
Nhờ nguồn vốn người thân đi xuất khẩu lao động gửi về, ông Nguyễn Văn Sang ở thôn 1B, xã Cư Êwi có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế. |
Ông Nguyễn Văn Sang, ở thôn 1B, xã Cư Êwi kể: “Ban đầu khi nghe các ngành chức năng của huyện đến vận động gia đình cho con trai đi XKLĐ, gia đình lo lắm, không biết ở nơi đất khách quê người cháu sẽ sinh sống thế nào. Nhưng rồi thấy nhiều nhà trong huyện cũng có con em đăng ký XKLĐ nên gia đình cũng quyết định cho con đi. Hiện tại con trai tôi đang làm nghề cơ khí ở Hàn Quốc. Nhờ công việc phù hợp, lại chịu khó lao động nên mỗi tháng, trừ các khoản chi phí cháu gửi về cho gia đình gần 40 triệu đồng” – ông Sang phấn khởi nói.
Cán bộ Phòng Lao động - Thương bình và Xã hội huyện Cư Kuin thăm hỏi, động viên gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động. |
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin
|
Cũng như gia đình ông Sang, sau khi tìm hiểu về thị trường lao động, năm 2017, ông Trần Quang Thanh ở thôn 1A, xã Cư Êwi đã mạnh dạn vay vốn cho con gái là Trần Thị Phương Ngọc đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Thấy được hiệu quả của việc XKLĐ, mới đây người con trai của ông cũng đã sang Nhật Bản để lao động và học tập. Mặc dù mới đi làm được vài tháng nhưng trung bình mỗi tháng, hai cháu đã dành dụm gửi về nhà khoảng 40 triệu đồng để ông Thanh trang trải nợ nần. Hiện tại gia đình ông đã trả gần hết số tiền nợ ngân hàng, đời sống kinh tế cũng dần ổn định hơn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hiện nay công tác XKLĐ trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do tay nghề, ngoại ngữ của người tham gia XKLĐ chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng; nhiều lao động phải về nước trước thời hạn vì không bảo đảm sức khỏe. Bên cạnh đó, hoạt động lừa đảo của một số tổ chức, cá nhân không có chức năng XKLĐ còn xảy ra trên địa bàn huyện gây mất lòng tin cho người dân.
Năm 2018, huyện Cư Kuin phấn đấu sẽ đưa 100 người đi XKLĐ. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, để đạt được mục tiêu đó, huyện sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng, doanh nghiệp XKLĐ tổ chức tuyên truyền, tư vấn để người dân hiểu biết đầy đủ về các chủ trương, chính sách về công tác XKLĐ, đồng thời phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện tốt nhất cho các đối tượng tham gia XKLĐ được vay vốn theo chương trình giải quyết việc làm.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc