Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao thu nhập nhờ cải tạo vườn cà phê

14:00, 06/03/2018

Trước đây, gia đình chị Lê Thị Trình (thôn Tân Sơn, xã Ea Đrơng, huyện Cư M’gar) có 3 sào đất canh tác cà phê. Do cà phê già cỗi, được trồng với giống không bảo đảm, vợ chồng chị chưa nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây này nên năng suất đạt thấp, mỗi năm chỉ thu được khoảng 3 tạ cà phê nhân.

Để khắc phục tình trạng này, chị Trình đã chịu khó tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức, đúc rút được nhiều kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình, như: chủ động thay thế những cây cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng những giống mới cho năng suất cao. Đối với những cây già cỗi nhưng bộ rễ vẫn còn tốt, chị học kỹ thuật cưa ghép để cải tạo và đã ghép thành công. Cùng với đó, chị Trình còn áp dụng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cà phê, chị chú trọng cắt tỉa cành, tạo tán, không để quá nhiều cành mà cắt bớt những cành phụ, cành già để tập trung dinh dưỡng nuôi cành chính và quả; thường xuyên thăm vườn nhằm kịp thời có biện pháp xử lý khi phát hiện sâu bệnh. Phân bón chủ yếu được chị sử dụng là phân hữu cơ vi sinh ủ từ vỏ cà phê, vừa giảm được chi phí sản xuất, vừa làm tăng độ tơi xốp cho đất…

Chị Lê Thị Trình trong vườn cà phê của gia đình.
Chị Lê Thị Trình trong vườn cà phê của gia đình.

Nhờ áp dụng các biện pháp trên, chỉ sau vài năm, năng suất cà phê đã được nâng lên đáng kể, gia đình chị Trình thu được từ 1 – 1,1 tấn nhân mỗi năm. Thu nhập từng bước được nâng lên, khi đã có vốn, chị đầu tư mua thêm gần 1 ha cà phê. Diện tích cà phê này cũng được chị cải tạo, đạt năng suất cao và mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Bên cạnh đó, chị Trình còn tận dụng những ngã ba, ngã tư, đường biên… trong vườn cà phê để trồng xen thêm 60 cây bơ, sầu riêng và 300 trụ tiêu, trong đó có 100 trụ đang bắt đầu cho thu hoạch.

Hiện nay, với gần 1,3 ha cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh, bình quân mỗi năm gia đình chị Trình thu được từ 5 - 6 tấn cà phê nhân. Năm nay, gia đình chị cũng thu bói được hơn 3 tạ tiêu. Ngoài ra, chị còn chăn nuôi thêm gà, vịt… Tổng thu nhập của gia đình chị Trình hiện đạt từ 150 - 200 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. Thu nhập ổn định, chị đã xây dựng được nhà, mua sắm các vật dụng sinh hoạt, sản xuất đắt tiền và có điều kiện nuôi dạy con cái học hành… Gia đình chị còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Không chỉ phát triển kinh tế của gia đình, chị Trình còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ về vốn cho nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn. Chị hiện cho 2 hộ nghèo mượn hơn 50 triệu đồng không tính lãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ sự nhiệt tình của mình, chị được bầu làm Chi hội phó Chi hội Nông dân của thôn. Chị luôn tích cực vận động các hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Nhiều hội viên nhờ sự giúp đỡ của chị đã thoát được nghèo, có cuộc sống ổn định.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.