Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Cư Đrăm loay hoay chuyển đổi cây trồng

08:58, 07/03/2018

Dịch bệnh vừa qua đã làm hàng chục héc-ta hồ tiêu của nông dân xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông) bị chết, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Hiện nay bà con đang tìm cây trồng khác để thay thế diện tích hồ tiêu bị chết. Tuy nhiên việc lựa chọn cây trồng phù hợp, mang lại lợi nhuận kinh tế cao, ổn định đầu ra đang là bài toán khó với nông dân nơi đây.

Theo thống kê, đến nay xã Cư Đrăm có 70,7 ha hồ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh, tập trung ở thôn 1, thôn 2 và buôn Tơng Rang B. Trên thực tế diện tích hồ tiêu ở đây lên đến hơn 100 ha. Những năm trước đây, thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, được mùa, được giá nên bà con phá bỏ cà phê, đổ xô trồng hồ tiêu. Cuối năm 2017, đầu năm 2018 do mưa nhiều, xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm trên diện rộng nên hồ tiêu chết hàng loạt. Đến nay, hơn 1/2 diện tích hồ tiêu của bà con đã chết, diện tích còn lại đa số cũng đã bị nhiễm bệnh. Ông Đỗ Văn Hoành (thôn 1) có vườn tiêu hơn 2.000 trụ giờ chỉ còn lác đác vài chục trụ. Ông đã chuyển đổi một ít diện tích để trồng sầu riêng, bưởi, táo… song diện tích đất còn lại ông đang đắn đo chưa biết trồng cây gì nên vẫn để không. Ông Hoành nói: “Gia đình đã đầu tư gần 1 tỷ đồng mua đất và đầu tư trụ, giống, phân để trồng hồ tiêu. Vừa qua hồ tiêu bị bệnh chết hàng loạt, chúng tôi định sẽ chuyển sang trồng sầu riêng và trồng lại cà phê. Song vì sợ dịch bệnh, khó kiếm đầu ra sau này và giống sầu riêng tương đối đắt nên gia đình mới chỉ trồng vài trăm cây”. Gia đình ông Trần Văn Hùng (thôn 2) có 1.600 trụ tiêu bước sang năm thứ 7. Khi giá tiêu ở mức trên 200.000 đồng/kg, gia đình ông lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thấy lợi nhuận cao, năm 2016 ông tiếp tục phá bỏ gần 1 ha cà phê để đầu tư trồng mới hơn 700 trụ hồ tiêu.

     Vườn hồ tiêu hàng nghìn trụ của gia đình ông Đỗ Văn Hoành (thôn 1) bị bệnh chết hàng loạt.
Vườn hồ tiêu hàng nghìn trụ của gia đình ông Đỗ Văn Hoành (thôn 1) bị bệnh chết hàng loạt.

Chỉ trong vài tháng cuối năm 2017, vườn tiêu 1.600 trụ đã chết gần hết, số trồng sau thì phát triển chậm do đã có hiện tượng nhiễm bệnh. Ông Hùng đang lưỡng lự, chưa biết trồng cây gì thay thế. Ông băn khoăn: “Trồng cà phê thì không lo bị sâu bệnh nhưng mấy năm nay cà phê luôn mất mùa, giá cả không ổn định nên người dân cũng ít mặn mà với cây cà phê. Nhưng nếu không trồng cà phê thì cũng chẳng biết trồng loại cây gì”.

Gia đình ông Đỗ Văn Hoành (thôn 1) chuyển đổi trồng sầu riêng trên diện tích hồ tiêu bị chết.
Gia đình ông Đỗ Văn Hoành (thôn 1) chuyển đổi trồng sầu riêng trên diện tích hồ tiêu bị chết.

 Đa số diện tích các vườn tiêu trước đây đều là đất tốt, bằng phẳng, phù hợp trồng nhiều loại cây. Tuy nhiên, do muốn lựa chọn những cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, ít sâu bệnh, đầu ra ổn định nên nhiều hộ vẫn còn loay hoay chưa biết lựa chọn cây gì. Thấy nhiều gia đình trồng sầu riêng cho thu nhập cao nên một số hộ chuyển sang trồng sầu riêng trên diện tích đất hồ tiêu bị chết. Một số hộ lại hy vọng giá tiêu trong thời gian tới có thể sẽ tăng nên vẫn xử lý diện tích đất hồ tiêu đã chết để tiếp tục đầu tư để tái canh.

Ông Nguyễn Công Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm trăn trở: “Địa phương rất khó định hướng cho người dân nên trồng thay thế loại cây gì ở diện tích đất hồ tiêu bị chết vì diễn biến giá cả, đầu ra thị trường không ổn định, thời tiết phức tạp, sâu bệnh thường xuyên xảy ra nên bà con vẫn chọn cây trồng một cách tự phát, chạy theo phong trào. Chính quyền xã hiện nay chỉ có thể đưa ra một số mô hình để bà con tham khảo, lựa chọn cây trồng phù hợp. Đồng thời sẽ nỗ lực để hỗ trợ khâu kỹ thuật, đề xuất vay vốn và liên hệ tìm đầu ra cho sản phẩm của bà con”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.