Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng dưa lưới ở huyện Lắk
Sau khi học hỏi cách trồng dưa lưới ở Đồng Nai, anh Trần Thanh Hùng (thôn Yuk La 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk) đã đầu tư 7 triệu đồng trồng dưa lưới trên diện tích đất cát pha rộng 1.000 m2, trong đó riêng chi phí mua giống khoảng hơn 2 triệu đồng.
Anh Hùng cho biết, không giống như dưa hấu được trồng theo hình thức thả dây bò xuống đất, dưa lưới được trồng bằng cách để chúng bò theo mối dây đã giăng sẵn. Để trái dưa lưới phát triển đồng đều, ngoài việc chăm chỉ cắt tỉa dây leo còn phải thường xuyên theo dõi lượng nước cung cấp hằng ngày cho cây vừa đủ theo từng thời điểm phát triển. Dưa lưới có khả năng chống chịu sâu bệnh kém, thường nhiễm vi khuẩn, virus, đặc biệt là các bệnh do nấm gây ra nên cần phải chăm sóc kỹ để phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Anh Hùng tận dụng vỏ cây cà phê làm phân hữu cơ bón cho vườn dưa, vừa tạo độ ẩm vừa đảm bảo cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Riêng về giống, anh chọn giống dưa lưới của Nhật Bản sinh trưởng khỏe, cho quả to, độ ngọt đạt tiêu chuẩn.
Vườn dưa lưới của gia đình anh Trần Thanh Hùng. |
Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nên vườn dưa lưới của gia đình anh Hùng phát triển rất tốt. Sau hơn 75 ngày chăm sóc, vườn dưa lưới của anh Hùng đã cho trái ngọt với trọng lượng đạt khoảng 1,5 - 2,5 kg/trái, đạt năng suất hơn 3,5 tấn/sào. Nhờ bán được giá 30.000 - 40.000 đồng/kg nên sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khá. Hiện nay, toàn bộ dưa trồng đợt đầu đều được nhà buôn thu mua và đưa vào các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và nhập về một số tỉnh miền Bắc.
Mô hình trồng dưa lưới của anh Trần Thanh Hùng đang được kỳ vọng sẽ mở ra hướng làm kinh tế mới ở huyện Lắk bởi trên địa bàn huyện có nhiều diện tích đất cát pha ven sông, đất được cải tạo tơi xốp, phù hợp với phát triển trồng dưa lưới.
H’Yur Je
Ý kiến bạn đọc