Hiệu quả từ những mô hình hợp tác xã kiểu mới ở Krông Búk
Trên địa bàn huyện Krông Búk hiện có nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới vận hành mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên, tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Ngai (địa chỉ: thôn 2, xã Ea Ngai) thành lập từ năm 2009, được Nhà nước bảo trợ hoàn toàn, hoạt động chủ yếu là quản lý, điều tiết nước tưới của 2 công trình hồ chứa nước trên địa bàn xã Ea Ngai. Ông Đặng Văn Thân, Giám đốc HTX cho biết, từ năm 2014, HTX chính thức chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo Luật HTX năm 2012. Trên cơ sở đó, đơn vị đã xây dựng kế hoạch mở rộng hoạt động đa ngành nghề, đa chức năng như: tiếp tục quản lý vận hành điều tiết nước tưới của 2 hồ chứa nước trên địa bàn, phát triển chăn nuôi bò sinh sản và đặc biệt là sản xuất cà phê sạch bền vững; đồng thời thay đổi bộ máy tổ chức có sự hạch toán kinh doanh và hoạt động như một công ty độc lập, “lời ăn - lỗ chịu”.
Sau khi chuyển đổi, HTX đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Dak Man (địa chỉ phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) sản xuất - tiêu thụ cà phê sạch bền vững có chứng nhận tiêu chuẩn FLO-CERT. Đến nay, HTX đã kêu gọi được 20 hộ xã viên trong vùng tham gia sản xuất cà phê sạch trên tổng diện tích 63,5 ha. Sau khi hạch toán kinh doanh, HTX thường trả cho các hộ xã viên giá cà phê cao hơn thị trường từ 1.000 - 2.500 đồng/kg. Năm 2017, tổng doanh thu riêng trong lĩnh vực sản xuất cà phê sạch của HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Ngai là 9,7 tỷ đồng, tăng hơn 4,2 tỷ đồng so với năm 2014.
Ông Dương Ngọc Hanh ở thôn 1, xã Ea Ngai (giữa) giới thiệu về vườn cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn FLO-CERT. |
Ông Dương Ngọc Hanh ở thôn 1, xã Ea Ngai cho hay, gia đình ông tham gia sản xuất 1,5 ha cà phê theo tiêu chuẩn FLO-CERT với HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Ngai từ năm 2014. Khi tham gia HTX ông chỉ góp vốn hợp tác 2,2 triệu đồng. Trong quá trình sản xuất, ông được kỹ thuật viên hướng dẫn cách chăm sóc vườn cây bằng phân bón vi sinh, không sử dụng thuốc diệt cỏ, thu hoạch khi quả chín… Ngoài ra ông còn được khuyến khích trồng xen sầu riêng, bơ vào trong rẫy cà phê để tạo cây che bóng, vừa tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích đất. Trong khi đó, năng suất cà phê vẫn ổn định khoảng 4 tấn nhân/ha, lại được hỗ trợ giá cao hơn giá thị trường. Những năm gần đây, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông từ 1,5 ha rẫy khoảng trên 150 triệu đồng.
“Việc chuyển đổi mô hình HTX kiểu cũ sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đã và đang mang lại nhiều lợi ích đối với hoạt động của chúng tôi, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, quản lý dân chủ, bình đẳng, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi”.
Ông Đặng Văn Thân, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Ngai
|
Với HTX Nông nghiệp dịch vụ Krông Búk (địa chỉ: thôn Tân Lập 5, xã Pơng Đrang) được thành lập từ tháng 5-2017 với lĩnh vực hoạt động chính là chế biến cà phê bột nguyên chất. Hiện HTX có 47 hộ xã viên với vùng nguyên liệu 97 ha cà phê. Theo bà Nguyễn Thị Thúy Diễm, Giám đốc HTX, để từng bước nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cà phê bột, hằng quý HTX đều phối hợp với các ngành chức năng địa phương, một số công ty tư vấn sản xuất nông nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ xã viên; hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng cách; thu hoạch và bảo quản cà phê đúng tiêu chuẩn cho phép...
Được biết, huyện Krông Búk hiện đang có 9 HTX kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Ngoài đảm nhiệm các khâu dịch vụ nông nghiệp, các HTX nông nghiệp còn tham gia kinh doanh thêm một số dịch vụ như nước sạch, điện sinh hoạt, quản lý kinh doanh chợ, vệ sinh môi trường… Nhiều HTX hoạt động có hiệu quả cao như HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Thuận Phát, HTX Kinh doanh vật tư tổng hợp Cư Né, HTX Nông lâm nghiệp dịch vụ tổng hợp Ea Sin, HTX Thanh niên Cư Pơng…
Các thành viên Hợp tác xã thanh niên Cư Pơng (xã Cư Pơng) đang thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn. |
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Kính, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk, mô hình HTX kiểu mới đã thể hiện vai trò quan trọng là cầu nối trong việc tiếp thu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, bảo đảm nhiều khâu dịch vụ như giống, phân bón, thủy lợi, thu hoạch, đến liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… Cùng với đó, các HTX còn tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc