Multimedia Đọc Báo in

Hội Nông dân xã Ea Nuôl: Đồng hành với hội viên chăm lo phát triển kinh tế

09:06, 06/04/2018

Những năm qua, nhờ đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, Hội Nông dân xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) đã phát huy vai trò đầu tàu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Ông  Hà Xuân Tính, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Hòa Thanh (xã Ea Nuôl) cho biết, chi hội hiện có 59 hội viên, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp phối hợp với chăn nuôi. Trong những năm qua, công tác xây dựng, phát triển hội luôn được quan tâm, củng cố. Chi hội đã tổ chức cho hội viên nông dân tham gia các lớp tập huấn về kiến thức trồng trọt, chăm sóc cây trồng vật nuôi, phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, chi hội cũng phối hợp giúp đỡ 30 hội viên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội trên 500 triệu đồng phát triển kinh tế. Các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới cũng được hội viên đồng tình hưởng ứng. Trong năm 2017, hội viên đã đóng góp 50 triệu đồng, 120 ngày công, phá dỡ tường rào để xây dựng các công trình giao thông. Ngoài ra, chi hội cũng đã xây dựng nguồn quỹ giúp đỡ hội viên thoát nghèo với số tiền gần 100 triệu đồng.

Mô hình trồng quýt đường của chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Hòa An, xã Ea Nuôl,  huyện Buôn Đôn.
Mô hình trồng quýt đường của chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Hòa An, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn.

Song song với công tác xây dựng phát triển hội, ngày càng có nhiều hội viên nông dân trên địa bàn xã Ea Nuôl vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Anh Nguyễn Hoàng Quyển ở thôn Tân Phú là một điển hình. Rời quê hương Thanh Hóa vào Đắk Lắk lập nghiệp từ năm 1996, do không có đất canh tác, không có vốn làm ăn nên cuộc sống gia đình anh Quyển gặp nhiều khó khăn. Những ngày đầu, gia đình anh Quyển khai hoang được 8 sào đất đồi để trồng mía. Năm 2006, sau khi diện tích đất trồng mía khai hoang được thu hồi để quy hoạch dự án của Thủy điện Sêrêpốk 3, anh Quyển nhận gần 200 triệu đồng tiền đền bù và chuyển đến khu vực hồ thủy điện Sêrêpốk 3 để sinh sống. Với 1 ha đất, anh Quyển chia nhỏ diện tích để vừa làm nhà ở, vừa xây dựng mô hình nuôi cá trạch, trồng tiêu, cam, ca cao và nuôi gà. Nhờ chăm chỉ lao động, đến nay thu nhập từ mô hình đa cây, đa con của gia đình anh Quyển khoảng 150 triệu đồng/năm. Năm 2016, anh Quyển vinh dự được Hội Nông dân huyện tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi.

Mô hình đa cây (cà phê – quýt – nhãn) của anh Huỳnh Thanh Phong, buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl.
Mô hình đa cây (cà phê – quýt – nhãn) của anh Huỳnh Thanh Phong, buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl.

Theo ông Đặng Từ Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã, Hội hiện có trên 1.000 hội viên sinh hoạt tại 17 chi hội; Hội cũng đang quản lý 8 tổ vay vốn với tổng dư nợ 8,975 tỷ đồng cho 359 hộ vay. Những năm qua, cán bộ, hội viên nông dân đã phát huy tinh thần chăm chỉ, sáng tạo trong lao động sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế tích cực. Tổng giá trị sản phẩm năm 2017 trên địa bàn xã ước đạt 218 tỷ đồng, trong đó nông - lâm - nghiệp và chăn nuôi đạt 128 tỷ đồng; diện tích gieo trồng đạt 5.285 ha; sản lượng lương thực ước đạt 8.470 tấn…

Mặc dù tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong thời gian gần đây bùng phát liên tục, giá cả nông sản bất ổn nhưng người dân đã từng bước khắc phục khó khăn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Từ năm 2012 đến nay, tổng số lượng đàn trâu, bò trên địa bàn xã tăng từ 2.425 con lên 2.655 con; đàn heo tăng từ 2.800 con lên 9.200 con. Toàn xã hiện có 19 trang trại, trong đó có 10 trang trại chăn nuôi gia cầm, 8 trang trại chăn nuôi gia súc, 1 trang trại trồng trọt (tăng 9 trang trại so với năm 2012).

Song song với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng hội vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động, Hội Nông dân xã còn triển khai nhiều phong trào hiệu quả góp phần xây dựng nông thôn mới và xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Vận động hội viên hiến đất làm đường giao thông nông thôn, góp ngày công xây dựng, cải tạo các công trình thủy lợi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, huy động vốn vay ưu đãi trong quỹ hội giúp hội viên thoát nghèo.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng hội, thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, giúp hội viên nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật để nghiêm túc chấp hành, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự tại địa bàn - ông Quang cho biết thêm.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.