Nan giải chống thất thu trong lĩnh vực khai thác cát
Nhiều năm qua, tình trạng khai thác cát ồ ạt đã gây bức xúc cho chính quyền, ngành chức năng và người dân các địa phương. Mỗi ngày, một lượng cát khổng lồ bị múc lên đi bán, nhưng ngân sách Nhà nước vẫn chịu thất thu do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Chống thất thu từ ngọn
Một trong những “vựa cát” của tỉnh là khu vực cầu Giang Sơn (giáp ranh hai huyện Cư Kuin và Krông Bông). Hằng ngày cảnh tập kết, vận chuyển cát ở đây diễn ra tấp nập. Dưới sông, hàng đoàn tàu thay nhau bơm cát lên bãi, cát chất cao như "núi"; trên bờ, hàng trăm lượt xe ra - vào lấy cát. Để kiểm soát và chống thất thu thuế ở khu vực này, thời gian gần đây, huyện Cư Kuin đã thành lập Đoàn chống thất thu liên ngành với thành phần gồm Chi cục Thuế, Cảnh sát Giao thông, Công an Kinh tế và lập chốt kiểm soát 24/24 giờ ngay đầu cầu Giang Sơn (phía địa phận huyện Cư Kuin). Tuy nhiên, trạm kiểm soát này chỉ thực hiện việc kiểm tra hóa đơn những xe ra - vào bến cát nên các lái xe đã có nhiều cách để "lách luật". Theo đó, các xe sau khi lấy cát xong đã đi theo đường khác để tránh chốt kiểm tra hoặc sang địa phận huyện Krông Bông để lấy cát nếu huyện Krông Bông không có Đoàn chống thất thu làm việc. Nan giải nhất là tình trạng lấy cát ở các bãi bất hợp pháp, sau đó mua hóa đơn giá trị gia tăng tại những doanh nghiệp được phép xuất hóa đơn. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cư Kuin Lê Hồng Phú, tại khu vực cầu Giang Sơn hiện chỉ có 2 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác cát (có chức năng năng xuất hóa đơn), nhưng có khá nhiều điểm tập kết cát lậu dọc bờ sông. Thực tế là từ khi lập trạm kiểm soát, đoàn chống thất thu đã phát hiện khá nhiều xe có hóa đơn không hợp lệ. Mới đây nhất, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện xe mang biển kiểm soát 47C-129.69 chở cát từ bãi cát Giang Sơn lên, có xuất trình hóa đơn mua cát của Doanh nghiệp tư nhân vật liệu xây dựng Sông Núi (huyện Krông Ana). Tuy nhiên qua kiểm tra và khai nhận của lái xe, số cát trên không phải được lấy từ bãi cát của Doanh nghiệp tư nhân vật liệu xây dựng Sông Núi mà được lấy từ bãi cát của một người tên Tưng. Để “qua mặt” đoàn chống thất thu huyện Cư Kuin, lái xe đã sang Doanh nghiệp tư nhân vật liệu xây dựng Sông Núi để mua hóa đơn.
Hoạt động nhộn nhịp tại một bãi cát ở “vựa cát” Giang Sơn. |
Cần có giải pháp đồng bộ
Theo tính toán sơ bộ của ngành Thuế, mỗi mét khối cát nếu không được xuất hóa đơn theo quy định, Ngân sách Nhà nước thất thu khoảng 50 nghìn đồng thuế giá trị gia tăng. Điều đáng nói là, hoạt động của các đoàn chống thất thu như trên chỉ mới kiểm soát được những xe vận chuyển qua chốt kiểm soát, tức là mới chỉ dừng ở khâu cuối cùng trong “đường đi” của cát. Trong khi đó, giải pháp tối ưu là kiểm soát sản lượng khai thác ngay tại bãi lại chưa thực hiện được hoặc thực hiện thiếu kiên quyết. Đơn cử như tại “vựa cát” Giang Sơn, hầu hết các điểm tập kết cát của các doanh nghiệp (hợp pháp lẫn bất hợp pháp) đều chưa có hợp đồng thuê đất làm bến bãi, nhưng không hiểu sao địa phương vẫn không xử lý được. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp sau khi được cấp phép, bên cạnh trực tiếp khai thác còn ký hợp đồng giao khoán hoặc ủy quyền cho một đơn vị khác khai thác nên sản lượng cát khai thác thực tế khó mà kiểm soát được. Theo tìm hiểu, như trường hợp bãi cát của người tên Tưng được cho là liên kết với Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Tây Nguyên để khai thác, nhưng không thực hiện nghĩa vụ hóa đơn, chứng từ với doanh nghiệp này mà đều do người mua cát tự tìm hóa đơn, chứng từ. Trong khi đó, khi các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm thường chỉ mới dừng lại ở chỗ xử phạt đơn vị nhận khoán chứ chưa đề cập đến đơn vị giao khoán, ủy quyền.
Đoàn liên ngành chống thất thu huyện Cư Kuin kiểm tra một xe chở cát qua địa bàn. |
Trong khi chưa có biện pháp quản lý sản lượng khai thác, mua bán tại bãi nên chăng các địa phương cần đồng loạt vào cuộc trong việc chống thất thu trên khâu lưu thông kiểm soát được “đường đi” của cát.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc