Multimedia Đọc Báo in

Nông dân phấn khởi "được mùa, được giá" vụ lúa đông xuân

08:39, 17/04/2018

Hiện nay, nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ lúa đông xuân 2017-2018. Trên khắp các cánh đồng rộn ràng không khí phấn khởi bởi lúa năm nay vừa được mùa, vừa được giá…

Lúa Ea Bar đạt năng suất “khủng”

Vụ thu hoạch năm nay, nông dân trồng lúa tại xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) vui mừng bởi năng suất cao hơn nhiều so với mọi năm, có nơi đạt tới 8  -  9 tấn/ha, thậm chí 10 tấn/ha đối với người cấy giống lúa 3/2.

Dưới ánh nắng chói chang, dù mồ hôi nhễ nhại ướt đầm vai áo nhưng chị Hoàng Thị Trâm (thôn 17B, xã Ea Bar) đang cùng gia đình vận chuyển lúa từ ruộng lên xe công nông chở về nhà vẫn nở nụ cười thật tươi. Chị phấn khởi nói: “Gia đình tôi có hơn 3 sào ruộng, vụ lúa đông xuân này cấy giống lúa 3/2. Sáng nay vừa thuê máy gặt xong được 60 bao lúa đang rải khắp ruộng, cả nhà vận chuyển lên xe chắc đến chiều mới xong. Sau khi phơi khô quạt sạch sẽ chắc còn khoảng 2,7 tấn, ước tính đạt khoảng 9 tấn/ha. Phơi xong tôi sẽ bán khoảng 2 tấn, còn lại để ăn đến vụ sau”.

Máy gặt đập liên hoàn thu hoạch lúa tại cánh đồng xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn).
Máy gặt đập liên hoàn thu hoạch lúa tại cánh đồng xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn).

Những ngày này, trên cánh đồng xã Ea Bar, các máy gặt đập liên hoàn dường như chạy hết công suất để kịp gặt theo danh sách đăng ký của bà con; các hộ trồng lúa thì huy động hết các thành viên, phương tiện ra đồng vận chuyển lúa về nhà. Chị Bế Thị Sâm chia sẻ: “Lúa nhà tôi đã gặt xong tuần trước, nên mấy ngày qua đi giúp người thân gặt để trả công. Hầu hết bà con ở đây đều cấy lúa 3/2 vụ này, lúa đạt năng suất cao lắm, thậm chí có gia đình chăm sóc tốt đạt đến 10 tấn/ha”. Ông Vương Văn Việt (thôn 17B) vừa đảo lúa giữa sân vừa tranh thủ trò chuyện: “Giống lúa 3/2 rất hợp với ruộng ở Ea Bar, là giống lúa đạt năng suất cao nhất. Gia đình tôi cấy 1,5 sào, mỗi năm làm hai vụ cả nhà ăn không hết, còn dư bán lấy tiền để chi phí cho đầu tư”.

Ngoài lúa 3/2, bà con nơi đây còn cấy các giống lúa chất lượng thơm ngon như: Tám thơm, Thái Bình, RVT cho năng suất bình quân khoảng 6 tấn/ha. Tuy nhiên, lúa 3/2 vẫn chiếm tỷ lệ gieo cấy nhiều nhất bởi năng suất cao, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc. Ngoài sử dụng nấu cơm, lúa 3/2 còn được các thương lái tìm mua để cung cấp cho các mối sản xuất bún phở hay làm bánh… nên giá cũng tương đối cao, vào thời điểm hiện nay giá khoảng từ 6.500 - 6.800 đồng/kg, nông dân trồng lúa vẫn có lãi khá nhiều sau khi trừ mọi chi phí.

Theo bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn, vụ lúa đông xuân 2017-2018 toàn xã Ea Bar gieo cấy được khoảng 260 ha lúa nước, là một trong những địa phương có diện tích lúa nước nhiều nhất huyện. Những năm qua, nhờ hệ thống đê bao, kênh mương kiên cố, thuận lợi, nguồn nước dồi dào, năng suất lúa ở cánh đồng Ea Bar năm sau luôn cao hơn năm trước. Với địa hình ruộng bằng phẳng, rộng lớn, tiện đường giao thông đến tận cánh đồng nên bà con nhân dân đã sử dụng máy móc hiện đại từ khâu chuẩn bị đất gieo cấy đến khi thu hoạch; nhờ vậy, người làm ruộng ở đây tiết kiệm được nhiều công sức và chi phí nên sau khi trừ các khoản đầu tư thì bà con vẫn lãi khá nhiều.

Nông dân Ea Súp phấn khởi được mùa

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, vụ lúa đông xuân 2017-2018 toàn huyện gieo trồng gần  5.270 ha, tập trung nhiều tại các xã Ea Bung, Ea Rốk, Ea Lê, Ya Tờ Mốt và thị trấn Ea Súp… Ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo các ban ngành, địa phương bảo đảm nguồn nước tưới từ công trình thủy lợi Hồ Thượng điều tiết liên tục qua hệ thống kênh chính đông và kênh chính tây; hỗ trợ người dân tiến hành các biện pháp thâm canh, tăng vụ, sử dụng nhiều giống lúa mới, cho năng suất cao, sử dụng thuốc hợp lý trong việc phòng trừ sâu bệnh. Nhờ vậy, năng suất lúa thu hoạch đạt khoảng 7-8 tấn/ha, một số chân ruộng được bà con chăm sóc tốt năng suất ước đạt trên 9 tấn/ha.

Ông Vương Văn Việt (thôn 17B, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) phơi lúa sau khi thu hoạch.
Ông Vương Văn Việt (thôn 17B, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) phơi lúa sau khi thu hoạch.

Giá lúa cũng được các thương lái thu mua ở mức cao, khoảng từ 5.700 - 6.000 đồng/kg. Nông dân thu hoạch đến đâu, thương lái vào tận nơi thu mua hết đến đấy khiến người dân cảm thấy rất phấn khởi. Ngoài niềm vui trúng mùa, được giá, nông dân trồng lúa huyện Ea Súp còn phấn khởi hơn khi gặp thuận lợi trong việc thu hoạch, dự trữ nguồn rơm làm thức ăn cho bò. Đây được xem là vụ sản xuất chính để bà con dự trữ nguồn rơm trong năm. Bà con cũng tăng cường đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa nhằm giảm công lao động, tiết kiệm chi phí, đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến, đến giữa tháng 5, nông dân huyện Ea Súp sẽ thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa đông xuân trên địa bàn. 

Giá cả ổn định, năng suất cao khiến nhiều hộ nông dân rất phấn khởi. Gia đình bà Nguyễn Thị Lan (thôn 7, xã Ya Tờ Mốt) đang tiến hành phơi lúa cho khô để chờ thương lái cân luôn tại chỗ, bà vui vẻ cho hay: “Năm nay, lúa đạt năng suất cao hơn hẳn so với mọi năm, trung bình mỗi sào cho thu trên 7 tạ. Một sào lúa chỉ phải bỏ 200.000 đồng thuê máy gặt rất tiện lợi và nhanh. Sau đó, tôi chỉ cân cho lúa vào bao rồi vận chuyển về nhà phơi khô. Với giá như hiện nay thì chắc chắn nông dân chúng tôi sẽ có lãi”. Gia đình ông Nguyễn Văn Hậu (thôn 3, xã Ea Lê) cũng không giấu được niềm vui: “Gần 20 năm trồng lúa, chưa bao giờ lúa của gia đình tôi lại đạt năng suất cao như vụ này. Nếu như những vụ trước hơn 1 ha lúa, gia đình gặt về khoảng 110 bao tươi thì năm nay khi đã phơi khô gia đình được 150 bao, trung bình mỗi bao nặng hơn 70 kg. Với giá cả như hiện nay, trừ chi phí gia đình tôi thu lãi trên 30 triệu đồng”.

Tuy nhiên, không ít nông dân cũng lo lắng khi giá lúa có xu thế giảm nhẹ. Nguyên nhân là do thu hoạch rộ, nắm bắt nhu cầu cân lúa sau khi thu hoạch của bà con để trả tiền phân bón đầu tư nên nhiều thương lái ép giá khiến giá lúa giảm theo từng ngày. Bà con nông dân hy vọng các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, rà soát và có biện pháp bình ổn giá lúa kịp thời.

Trung Hải - Trang Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.