Cấp bách đổi mới ngành mía đường (Kỳ 2)
[links(left)]
Giá đường thấp khiến các nhà máy gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh kéo theo giá thu mua mía giảm ảnh hường đến thu nhập của người trồng.
Mía khô trên… ruộng
Theo kế hoạch, các nhà máy đường sẽ kết thúc vụ ép 2017 – 2018 vào giữa tháng 6, nghĩa là thời gian chạy máy chỉ còn khoảng một tháng rưỡi nữa. Trong khi đó, hàng trăm ngàn tấn mía của người dân vẫn còn ở trên đồng khiến người trồng mía như “ngồi trên đống lửa” vì lo sợ mía không được tiêu thụ hết.
Đã cuối vụ thu hoạch mía, nhưng dọc hai bên Quốc lộ 29 đoạn qua xã Ea Sar và Ea Sô (huyện Ea Kar) vẫn còn bạt ngàn những ruộng mía quá lứa khô khốc, xám xịt chờ thu hoạch. Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng mía của người dân, anh Đỗ Thế Đương, cán bộ xã Ea Sô cho biết, đây là xã trồng nhiều mía nhất huyện với diện tích 1.800 ha, trong đó diện tích đã thu hoạch hiện chỉ đạt hơn 50%. Những năm trước, vào vụ thu hoạch mía, không khí ở đây như ngày hội, xe tải chở mía chạy rần rần, nhưng vụ mía năm nay trầm lắng hẳn vì vắng người mua. Bình thường mía trồng 12 tháng thu hoạch là tốt nhất, nhưng nhiều ruộng mía đã 16 tháng vẫn còn trên đồng, thương lái và các nhà máy thu mua với số lượng ít và chọn mía đẹp và ưu tiên những địa điểm gần đường lớn, dễ vận chuyển. Như gia đình anh cũng có 6 ha mía, nhưng mới thu hoạch được nửa diện tích từ trong Tết Nguyên đán, số còn lại vẫn để ngoài ruộng, chưa biết khi nào mới chặt. Ngoài việc bị thiệt hại do mía khô, giảm sản lượng thì theo người trồng mía tại địa phương, mía quá lứa 4 tháng sẽ làm giảm năng suất, chất lượng và chậm kỳ thu hoạch vụ sau.
Nông dân xã Ea Sô (huyện Ea Kar) bốc mía lên xe để vận chuyển đến nhà máy. |
Giữa trưa nắng nóng hầm hập, ông Võ Phụng Thông (thôn 2, xã Ea Sô) đang tất tả ôm lá khô che lại những bó mía mới chặt; tại đám ruộng bên cạnh, mía đã thu hoạch từ 5 ngày trước, chất thành từng đống nhỏ nhưng chưa được thu mua, nhiều cây đã bị héo, khô vỏ, 2 đầu cây mía đã teo lại. Theo tính toán của ông Thông, sản lượng mía năm nay chỉ đạt khoảng 70 tấn/ha, thấp hơn vụ trước (80 – 100 tấn/ha). Năm ngoái giá hơn 900 đồng/kg mía, 10 ha mía của ông lãi được 400 triệu đồng, năm nay năng suất giảm, giá thành cũng giảm theo nên may lắm mỗi ha chỉ lãi được khoảng 10 triệu đồng. Nhưng với tiến độ thu hoạch chậm thế này, nếu mưa xuống sẽ phát sinh thêm chi phí vận chuyển thì tiền bán mía may lắm cũng chỉ đủ vốn.
Theo số liệu của Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar, toàn huyện hiện có 5.600 ha mía, tập trung nhiều nhất tại các xã Ea Sô, Ea Sar, Cư Prông và Ea Tyh, trong đó đã thu hoạch được 75% diện tích. Vừa qua, huyện Ea Kar đã làm việc với doanh nghiệp mía đường trên địa bàn và các cơ quan chức năng nhằm đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ thu mua mía cho người dân. Theo đó, huyện yêu cầu doanh nghiệp mía đường tổ chức thu mua mía bảo đảm kế hoạch, ưu tiên bố trí lịch chặt mía cho các hộ hợp đồng với nhà máy, quản lý tốt tình hình tại vùng nguyên liệu, không để xảy ra tiêu cực, ép giá gây thiệt hại cho người nông dân.
Chia sẻ khó khăn
Khác với những vụ mía trước, những hộ tự bỏ vốn trồng mía bán được giá cao hơn so với những hộ liên kết trồng mía cho nhà máy, nhưng năm nay, họ vất vả lắm mới kiếm được mối bán mía dù chấp nhận lỗ. Chị Trần Thị Mỹ Dung (thôn 2, xã Ea Sô) vụ này trồng 3 ha mía, sản lượng đạt 250 tấn, với giá 580 đồng/kg, trừ chi phí trồng, chăm sóc, thu hoạch thì gia đình chị bị lỗ khoảng 20 triệu đồng. “Từ 10 năm nay, giá mía khi cao khi thấp, nhưng chưa bao giờ xuống thảm hại thế này, thà bán rẻ còn hơn để mía khô dần ngoài đồng”, chị Dung chia sẻ. Không riêng chị mà rất nhiều người trồng mía cũng bị lỗ, lý do là họ không liên kết với nhà máy đường nên phải bán mía cho thương lái và bị ép giá. Riêng trên địa bàn xã Ea Sô (huyện Ea Kar) có 600 ha mía của người dân không liên kết với nhà máy phải chấp nhận tình trạng này. Có thể thấy, việc liên kết với doanh nghiệp đã giúp người trồng mía giảm thiểu rủi ro, dù giá mía bên ngoài thị trường giảm mạnh nhưng các nhà máy vẫn mua đúng với giá hợp đồng đã ký cho người dân. Ông Đoàn Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường 333 cho biết, vụ mía này, nhà máy dự kiến thu mua 450.000 tấn mía nguyên liệu, nhưng do việc sản xuất, kinh doanh khó khăn nên mới thu được hơn 50% khối lượng. “Công ty sẽ cố gắng thu mua hết sản lượng mía người dân hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung của ngành Mía đường, mong bà con thông cảm, không tạo áp lực cho nhà máy”, ông Sơn chia sẻ.
Nông dân huyện Ea Kar đang thu hoạch mía. |
Còn Ông Nguyễn Bá Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Đắk Lắk cho hay, đơn vị có khoảng 5.000 ha mía liên kết với người dân, mỗi ha mía nhà máy đầu tư cho người dân khoảng 30 triệu đồng không tính lãi. Dù giá đường đang giảm, nhưng nhà máy vẫn mua cho dân theo hợp đồng đã ký, cao hơn giá thương lái mua rất nhiều. Với năng suất khoảng 70-75 tấn/ha, giá bán 800 đồng/kg người trồng mía đang có lãi. Năm nay do thời tiết không thuận lợi nên nhà máy đi vào hoạt động chậm hơn 1 tháng so với mọi năm, nhưng nhà máy vẫn bảo đảm tiến độ thu mua mía cho người dân, dự kiến đến cuối tháng năm sẽ thu mua hết diện tích mía liên kết với người dân.
Đã có thâm niên gần chục năm “bắt tay” trồng mía với Công ty Cổ phần mía đường 333, ông Võ Phụng Thông (thôn 2, xã Ea Sô) không giấu diếm, nếu không liên kết với nhà máy đường thì năm nay chắc chắn lỗ nặng. “Khó khăn của nhà máy đường chúng tôi cũng đã được nghe và hết sức thông cảm. Và cũng mong nhà máy hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho người trồng mía, chứ vùng đất này không trồng mía thì cũng chưa biết lấy cây gì thay thế. Nhưng hiện nay, chỉ mong nhà máy đẩy mạnh sản xuất, thu mua nhanh lượng mía còn lại để giảm thiệt hại cho người dân và để họ sớm bước vào đầu tư cho vụ mía mới”, ông Thông tâm sự.
(Còn nữa)
Minh Thông - Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc