Multimedia Đọc Báo in

Phiên chợ hàng Việt về miền núi: Người dân hồ hởi đón nhận

09:17, 04/05/2018

Phiên chợ hàng Việt được tổ chức đều đặn hằng năm tại các vùng nông thôn trong tỉnh luôn là dịp được nhiều người dân mong đợi.

Phiên chợ hàng Việt đầu tiên của năm 2018 được tổ chức tại huyện Ea H’leo từ ngày 27-4 đến hết 1-5, với quy mô 50 gian hàng của 22 doanh nghiệp (DN) tham gia. Tại đây bày bán nhiều mặt hàng phục vụ cho nhu cầu mua sắm tiêu dùng thiết yếu của người dân như thực phẩm, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, hàng may mặc… nên được người tiêu dùng địa phương tích cực đón nhận, các gian hàng luôn tấp nập khách mua sắm. Không chỉ đến để mua sản phẩm, khách tham quan còn có cơ hội tham gia các hoạt động như: rút thăm nhận quà, hưởng các chương trình khuyến mãi khi mua sắm, tư vấn thông tin và dùng thử sản phẩm... Anh Phạm Ngọc Quang, nhân viên bán hàng của Siêu thị Co.opmart có gian hàng tại phiên chợ cho hay, hàng hóa bày bán được người dân địa phương tích cực đón nhận. Khi đến xem hàng, ngoài việc khảo giá, người tiêu dùng cũng quan tâm nhiều đến sản phẩm của DN nào và ưu tiên lựa chọn những mặt hàng có uy tín trên thị trường.

Trên thực tế, hàng Việt luôn là lựa chọn của hầu hết người dân các vùng nông thôn trong tỉnh, nhưng họ lại bị thiếu thông tin về sản phẩm và nhà cung cấp. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng giả, nhái, kém chất lượng  bị người tiêu dùng khu vực đô thị từ chối bởi nhận thức ngày một nâng cao thì loại hàng này thường được đưa về vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa để tiêu thụ. Do vậy, những phiên chợ hàng Việt giúp bà con có cơ hội lựa chọn cho mình các sản phẩm nội địa uy tín, chất lượng. Anh Bùi Quang Thiệu (xã Ea Hiao) cho hay, bản thân anh và gia đình rất thích và ưu tiên xài hàng Việt vì do trong nước sản xuất, có xuất xứ rõ ràng, giá thành lại rẻ hơn các sản phẩm hàng nhập ngoại, nhưng chỉ lo mua phải hàng giả, kém chất lượng. Phiên chợ diễn ra, anh chọn mua nhiều loại cây giống để kịp trồng trong mùa mưa sắp đến vì thấy tin tưởng về chất lượng.

Hoạt động tư vấn tiêu dùng sản phẩm tại phiên chợ hàng Việt.
Hoạt động tư vấn tiêu dùng sản phẩm tại phiên chợ hàng Việt.

Thông thường, tại các vùng nông thôn, hàng hóa đến tay người tiêu dùng chủ yếu qua hệ thống bán lẻ nên giá cả chênh lệch là điều dễ hiểu. Thế nhưng, phiên chợ lần này không khỏi làm nhiều người ngạc nhiên trước giá cả sản phẩm do trong nước sản xuất với mẫu mã phong phú, giá rẻ mà chất lượng chẳng thua kém hàng ngoại. Chị H’lem Niê (xã Ea Nam) cho hay, giá các sản phẩm may mặc, giày dép ở phiên chợ làm chị thật sự bất ngờ. Dù cũng là các sản phẩm cùng loại được bày bán tại các chợ nhỏ lẻ trên địa bàn, nhưng ở đây giá rẻ hơn nhiều. Ngoài ra chị còn được nhà sản xuất trực tiếp tư vấn, thông tin kỹ hơn về cách sử dụng sản phẩm để đạt hiệu quả như mong muốn.

Có thể thấy, chương trình hàng Việt về miền núi là một trong những hoạt động có ý nghĩa, giúp DN sản xuất hàng hóa trong nước có cơ hội quảng bá thương hiệu, mở rộng kênh phân phối, phát triển điểm bán hàng cố định tại địa phương. Đó là cầu nối giúp DN tiếp cận người tiêu dùng, tăng độ bao phủ cho hàng Việt. Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, thông qua chương trình này còn làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng vùng nông thôn, tạo văn hóa tiêu dùng hàng nội và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

Người tiêu dùng tìm hiểu các sản phẩm tại phiên chợ hàng Việt ở huyện Ea H’leo.
Người tiêu dùng tìm hiểu các sản phẩm tại phiên chợ hàng Việt ở huyện Ea H’leo.

Để Cuộc vận động đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh, phiên chợ sẽ tiếp tục được tổ chức tại các vùng nông thôn khác,  xa các Trung tâm mua sắm của tỉnh như huyện Ea Kar, Krông Năng để giúp người dân có cơ hội chọn mua nhiều sản phẩm vừa túi tiền, giá phải chăng. Riêng tại huyện Ea Kar, phiên chợ sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 12-5 tại Trung tâm văn hóa huyện. Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức cho hay, đến thời điểm hiện tại đã triển khai rà soát các nội dung chuẩn bị cho phiên chợ như bố trí mặt bằng, lựa chọn doanh nghiệp, hàng hóa tham gia, công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh trật tự, điện, nước, vệ sinh môi trường... Hiện đã có 21 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với hơn 47 gian hàng đăng ký tham gia. Các mặt hàng do các doanh nghịêp bày bán tại phiên chợ phải được cam kết là những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận của các cơ quan quản lý Việt Nam cấp chứng nhận về chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng và nhất là vệ sinh an toàn đối với hàng hóa là hàng tiêu dùng.

Thiết nghĩ, trong lúc đời sống người dân còn nhiều khó khăn, sức mua tại các phiên chợ dù không lớn, nhưng rõ ràng, đây là tiền đề quan trọng để DN Việt từng bước chiếm lĩnh thị trường đầy hứa hẹn này. Do đó, việc tổ chức phiên chợ một cách bài bản, nghiêm túc, chu đáo sẽ là hành động thiết thực, góp phần hình thành thói quen tiêu dùng hàng hóa do DN trong nước sản xuất và nâng cao ý thức “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” trong người tiêu dùng trên địa bàn. 

Duy Khôi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.