Multimedia Đọc Báo in

Cấp bách đổi mới ngành mía đường (Kỳ cuối)

08:18, 06/05/2018

Kỳ cuối: Tổ chức lại sản xuất – chuyện sống còn

[links(left)]

Thực trạng của ngành Mía đường cho thấy việc đổi mới, tổ chức lại sản xuất ngành hàng một cách tổng thể là yêu cầu hết sức cấp thiết.

Doanh nghiệp tự làm mới mình

Như đã nói, các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đều có quy mô vừa và nhỏ, cho nên vấn đề trước tiên trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh là tăng “sức khỏe” cho trụ cột của ngành là những nhà sản xuất, kinh doanh. Bản thân các doanh nghiệp mía đường nhận rõ điều này và đã xây dựng kế hoạch triển khai những giải pháp nhằm tăng năng lực sản xuất, giảm chi phí đầu vào và đa dạng hóa sản phẩm.

Giải pháp đầu tiên trong tiến trình tái cơ cấu sản xuất tại Công ty Cổ phần Mía đường 333 là cải tiến dây chuyền sản xuất bằng các thiết bị châu Âu, Ấn Độ nhằm tăng tỷ lệ thu hồi, chuyển hóa đường. Bên cạnh đó, công ty cũng rút ngắn thời gian sản xuất, tăng tối đa công suất chạy máy, giảm chi phí quản lý, vận hành. Đặc biệt, gần đây đơn vị đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm sau cây mía. Cụ thể, hệ thống sản xuất điện sinh khối được lắp ráp với công suất 10 MW, trong đó, dự kiến một nửa sản lượng phục vụ sản xuất tại nhà máy, còn lại bán thương phẩm. Bên cạnh đó, với nguồn nguyên liệu bã mía có trữ lượng 15.000 tấn/năm, rỉ mật 20.000 tấn/năm và một số phế phẩm khác, công ty dự kiến sẽ sản xuất cồn etanol và phân vi sinh nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, để có nguồn nguyên liệu ổn định, doanh nghiệp  sẽ từng bước chuyển đổi cơ cấu giống cho nông dân, sử dụng các loại giống mía có năng suất cao, thời gian lưu gốc lâu và áp dụng cơ giới hóa trồng, chăm sóc và thu hoạch, bốc xếp. Ông Đoàn Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Công ty nhấn mạnh, chỉ có tổ chức lại sản xuất, giảm tối đa chi phí đầu vào và phát triển chế biến sâu thì doanh nghiệp mía đường mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Bốc dỡ mía nguyên liệu tại Công ty  Cổ phần  Mía đường Đắk Lắk.
Bốc dỡ mía nguyên liệu tại Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk.

Còn đối với Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk, bên cạnh những giải pháp đã thực hiện như di chuyển nhà máy vào vùng nguyên liệu để hạn chế chi phí vận chuyển, tự sản xuất điện để phục vụ sản xuất,… đơn vị này cũng đã xây dựng kế hoạch dài hơi để giảm giá thành sản phẩm. Ngoài sản phẩm đường, nhà máy này sẽ đa dạng hóa các sản phẩm cạnh đường, sau đường. Cụ thể, nhà máy đang nghiên cứu đầu tư sản xuất phân vi sinh và điện sinh khối từ bã mía để tận dụng nguồn nguyên, tăng giá trị sản xuất để giảm bớt sự phụ thuộc vào giá cả của đường. Cùng với đó, nhà máy sẽ đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô với công suất khoảng 3.500 tấn mía/ngày kết hợp với tinh giảm biên chế cũng là giải pháp được ưu tiên trong thời gian tới.

Giảm giá thành sản xuất mía

Nguyên liệu chiếm đến 70 - 80% giá thành sản xuất đường, do đó, để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm đường và nâng cao thu nhập cho người trồng mía thì vấn đề quan trọng nhất là phải giảm tối đa chi phí sản xuất, năng suất mía. Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 20.248 ha mía, tập trung ở địa bàn các huyện  Ea Kar, Ea Súp, M’Đrắk, Krông Bông, Buôn Đôn, Krông Ana và TP. Buôn Ma Thuột, các địa phương khác diện tích không đáng kể. Theo lý giải của cơ quan này, năng suất mía tại địa phương vẫn còn thấp do các nhà máy đường chưa quan tâm đến đầu tư vùng nguyên liệu, không có sự hỗ trợ về giống mới, kỹ thuật canh tác, đầu tư cơ giới hóa cho vùng trồng mía, trong khi nông dân thiếu vốn không có điều kiện đầu tư thâm canh cây mía, cộng thêm giá vật tư phân bón, công lao động ngày càng cao đã ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng mía. Cũng phải nói thêm là những năm gần đây điều kiện thời tiết bất thuận cũng là nguyên nhân làm cho người trồng mía bị ảnh hưởng.

Sản xuất đường tại Công ty Cổ phần mía đường Đắk Lắk.
Sản xuất đường tại Công ty Cổ phần mía đường Đắk Lắk.

Về quy hoạch cây mía, theo Quyết định số 2325/QĐ-UBND, ngày 10-8-2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thì đến năm 2020 diện tích mía quy hoạch là 17.000 ha, sản lượng 1.232.500 tấn và định hướng đến năm 2030 diện tích 17.000 ha, sản lượng đạt 1.332.800 tấn. Như vậy, về lâu dài thì các nhà máy đường không phải lo lắng về chuyện thiếu nguyên liệu mà cần quan tâm đến chất lượng vùng nguyên liệu. Theo ông Trương Văn Cao, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, các nhà máy phải có kế hoạch đầu tư cho vùng mía nguyên liệu như: cơ sở hạ tầng; tổ chức nông dân sản xuất mía một cách đồng bộ trên quy mô tập trung; đầu tư khoa học kỹ thuật như: giống mới, phân bón, tưới tiêu…để tăng năng suất, chất lượng mía cây bảo đảm người trồng mía có lãi. Đối với các cấp chính quyền, hội nông dân tại địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không tự phát trồng mía mà nên liên kết với nhà máy  trồng mía gắn với thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng nhau sản xuất và thương thảo cùng nhà máy khi vào vụ. Mặt khác các ngân hàng và tổ chức tín dụng cần tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trồng mía tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.…

Theo khẳng định của các nhà máy đường, họ sẵn sàng liên kết, hỗ trợ người trồng mía trong việc nâng cao chất lượng cây giống, áp dụng cơ giới hóa trong các khâu chăm sóc, thu hoạch, bốc xếp nhằm nâng cao năng suất và giảm chi phí đầu tư. Với những việc làm này hoàn toàn có thể giảm chi  phí đầu tư xuống dưới 30 triệu đồng/ha khi về đến nhà máy, doanh nghiệp có thể mua mía với giá 600 – 800 đồng/kg mà nông dân vẫn có lãi. Như vậy, giải pháp căn cơ nhất để ngành mía đường sống khỏe, qua đó giúp doanh nghiệp và người trồng mía đều có lợi là sản xuất theo quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và hình thành chuỗi liên kết sản xuất từ mía đến sản phẩm đường nhằm giảm giá thành sản phẩm cuối cùng.

Minh Thông – Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.