Multimedia Đọc Báo in

Hàng nghìn thợ làm gạch ở Krông Ana đối mặt với nguy cơ thất nghiệp

08:53, 03/05/2018

Lộ trình của UBND tỉnh cho phép các lò gạch đất sét nung tồn tại đến năm 2020. Tuy nhiên, kế hoạch mới đây nhất của UBND huyện Krông Ana lại bắt buộc 50/74 lò gạch trên địa bàn huyện phải đóng cửa vào cuối tháng 12-2018 đã khiến doanh nghiệp cùng hàng nghìn thợ làm gạch nơm nớp nỗi lo…

Theo kế hoạch số 38/KH-UBND, ngày 9-4-2018 của UBND huyện Krông Ana, trong tổng số 74 lò đất sét nung bằng lò trên địa bàn huyện, đến 31-12-2018 sẽ chấm dứt hoạt động của 24 lò gạch ở xã Ea Bông, 24 lò gạch ở thị trấn Buôn Trấp và 2 lò ở xã Bình Hòa vì nằm gần khu dân cư, khu vực canh tác trồng lúa, hoa màu. 24 lò gạch còn lại ở xã Ea Bông được tồn tại đến cuối tháng 12-2020.

“Đứng ngồi không yên” với nợ ngân hàng

Ngay khi vừa đặt chân đến buôn Mblơt (xã Ea Bông), nơi tập trung nhiều lò gạch nhất huyện Krông Ana, chúng tôi đã cảm nhận bầu không khí lo lắng, bất an về tương lai của những con người đã hàng chục năm gắn bó với nghề làm gạch nơi đây.

Theo các cơ sở sản xuất gạch ở buôn Mblơt cho biết, năm 2008 UBND tỉnh có chủ trương chuyển đổi từ lò gạch đốt củi sang công nghệ lò nung đứng (đốt than đá). Hưởng ứng chủ trương đó, dù điều kiện còn khó khăn, nhiều chủ lò vẫn phải  vay ngân hàng từ 700 triệu đến 10 tỷ đồng để đầu tư mặt bằng, nguyên liệu, nhà bạt chuyển công nghệ sản xuất gạch. Một số doanh nghiệp có điều kiện hơn thì chuyển sang công nghệ Tuynel và lò gạch không nung, chi phí đầu tư gấp 2-3 lần công nghệ lò nung đứng. Tuy nhiên, số lượng các lò này trên địa bàn huyện rất ít vì chi phí đầu tư quá cao.

Chị Nguyễn Thị Thắm bám trụ  ở lò gạch để  mưu sinh.
Chị Nguyễn Thị Thắm bám trụ ở lò gạch để mưu sinh.

Để cải tạo, tu bổ lò gạch, hằng năm, các doanh nghiệp còn bỏ thêm khoảng chi phí 200 – 300 triệu đồng. Hiện các cơ sở này đang trên đà phát triển và cần thêm một thời gian nữa mới thu hồi lại được chi phí đầu tư ban đầu. Vậy nhưng, khi chưa kịp thu hồi vốn thì nghe có chủ trương dẹp bỏ hàng loạt lò gạch khiến các chủ lò “đứng ngồi không yên”. Một chủ lò gạch (xin được giấu tên) ở buôn Mblơt than thở: “Khi chuyển qua công nghệ lò đứng tôi đã vay mượn 10 tỷ đồng để chuyển đổi sản xuất. Số nợ này hiện vẫn còn mà lò gạch phải đóng cửa thì tôi không biết phải làm sao để có tiền trả nợ”.

Chị Ngô Thị Út, chủ một cơ sở lò gạch ở thôn Quỳnh Tân 2 (thị trấn Buôn Trấp) bức xúc: "Trước đây chúng tôi được thông báo đến cuối năm 2020 mới phải ngưng hoạt động của các lò gạch. Nay biết được kế hoạch của UBND huyện sẽ đóng cửa các lò gạch vào cuối năm nay khiến ai nấy đều bất ngờ và hoang mang.”

Hơn nghìn người có nguy cơ thất nghiệp

Trong khi các chủ lò đang “đứng ngồi không yên” với nguy cơ không thu hồi vốn, khó khăn trong chuyển đổi công nghệ sản xuất thì các lao động cũng “nóng ruột” không kém khi đối mặt với nguy cơ thất nghiệp nếu lò gạch bị đóng cửa.

Những lò gạch ở huyện Krông Ana trước nguy cơ đóng cửa.
Những lò gạch ở huyện Krông Ana trước nguy cơ đóng cửa.

Được biết, mỗi lò gạch trên địa bàn huyện có khoảng 20 – 40 công nhân làm việc thường xuyên. Nếu 50 lò gạch đóng cửa thì sẽ có ít nhất 1.000 thợ làm gạch thất nghiệp. Họ chủ yếu là người  dân tộc thiểu số, không có đất sản xuất, trình độ học vấn không có hoặc rất thấp nên khả năng thất nghiệp cao.

 

“Chúng tôi được đề nghị chuyển sang lò gạch không nung nhưng chi phí bỏ ra quá cao, ít nhất 20 tỷ đồng. Số nợ vay của ngân hàng còn chưa trả xong, chúng tôi không còn khả năng để tiếp tục chuyển đổi nữa!”. 

 
 
Chị Ngô Thị Út, chủ một cơ sở lò gạch ở thôn Quỳnh Tân 2 (thị trấn Buôn Trấp)

Chúng tôi ghé vào căn phòng chưa đến 4 m2 của chị Nguyễn Thị Vy nằm ngay trong lò gạch của cơ sở Việt Hùng (thôn Quỳnh Tân 2, thị trấn Buôn Trấp). Những đứa nhỏ đen nhẻm, hồn nhiên nô đùa, trong khi mẹ của chúng đang rầu khổ vì nỗi lo thất nghiệp đang cận kề. “Tôi gắn bó với nghề gạch đã 20 năm. Mỗi ngày tôi làm liên tục mới nhận được mức lương 7 – 8 triệu đồng/tháng. Một mình tôi phải nuôi hai đứa con và một đứa cháu còn đang trong độ tuổi ăn học. Nếu lò gạch đóng cửa, tôi không biết làm gì để có tiền lo cho các con”, chị Vy buồn rầu nói

Công việc của công nhân làm gạch tuy vất vả, nặng nhọc, gần như họ phải làm liên tục 12 giờ/ngày, nếu tăng ca thì chỉ có 1-2 tiếng nghỉ ngơi, nhưng họ vẫn muốn tiếp tục gắn bó với nghề. “Vợ chồng tôi đều làm ở lò gạch đã 10 năm nay. Nhờ lò gạch mà chúng tôi có cuộc sống ổn định hơn. Nhà không có đất sản xuất, nếu mất việc chúng tôi biết sống sao đây?”, chị Nguyễn Thị Thắm (43 tuổi, buôn Mblơt) ngấn lệ lo lắng.

Dẫu biết rằng, chủ trương dẹp bỏ các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường của UBND huyện là đúng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần có lộ trình giải quyết các lò gạch một cách hợp lý, đặc biệt là cần có phương án hỗ trợ người dân, chí ít không để các lao động vốn đã nghèo lại vướng vào hoàn cảnh khó khăn hơn vì không có việc làm.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.