Multimedia Đọc Báo in

Phong trào phụ nữ khởi nghiệp: Chủ động nắm bắt cơ hội

08:52, 03/05/2018

Trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp, nhiều chị em đã chủ động nắm bắt cơ hội để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Trước đây, thu nhập của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (khối 6, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) phụ thuộc vào 3 ha cà phê. Năm 2001, giá cà phê xuống thấp, khiến kinh tế gia đình gặp không ít khó khăn, chị phải kiếm thêm việc làm để trang trải cuộc sống. Xuất phát từ nhu cầu của gia đình và bà con nông dân trong quá trình lao động, sản xuất, nhất là vào mùa thu hoạch cà phê rất cần bao tay nên chị đã quyết định chọn nghề may bao tay để phát triển kinh tế. Nghĩ là làm, chị lặn lội xuống TP. Hồ Chí Minh, đến tận các cơ sở sản xuất bao tay để học nghề, rồi đầu tư 80 triệu đồng mua một chiếc máy cắt vải và 2 tấn vải về may bao tay. Thời gian đầu, chị Hoa cũng gặp không ít khó khăn vất vả. Toàn bộ bao tay đều do chị tự cắt, rồi khoán cho các chị em trong vùng may thủ công. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, chị đã phải đi đến rất nhiều các đại lý, cửa hàng để chào hàng. Thấy bao tay do chị làm ra có chất lượng tốt, bền đẹp nên ngày càng có nhiều nơi tìm đến đặt hàng. Sau một năm kinh doanh, chị Hoa đã thu lại được vốn và bắt đầu có lãi. Nhận thấy thị trường ngày càng ưa chuộng loại bao tay bằng sợi, năm 2005, chị Hoa mạnh dạn đầu tư thêm 20 máy dệt bao tay sợi và thuê thợ dệt lành nghề từ TP. Hồ Chí Minh lên để dạy cho công nhân tại xưởng cách vận hành và xử lý khi máy móc xảy ra sự cố. Nhờ đó, sản phẩm bao tay do cơ sở chị sản xuất đã đáp ứng được các tiêu chí về mẫu mã, độ bền và đẹp.

Chị Hoa kiểm tra tiến độ vận hành của máy dệt bao tay sợi.
Chị Hoa kiểm tra tiến độ vận hành của máy dệt bao tay sợi.

Hiện chị đã xây dựng được khu nhà xưởng rộng hơn 200 m2, với 50 máy dệt bao tay sợi hoạt động liên tục, trung bình mỗi ngày sản xuất 6.000 đôi bao tay, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Gia Lai… Sau khi trừ chi phí, chị thu lãi khoảng 600 triệu đồng/năm. Việc thay đổi ngành nghề sản xuất không chỉ giúp gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức lương từ 3-6 triệu đồng/người/tháng.

Chị Đinh Thị Trang (buôn Jù, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) thì mạnh dạn chọn việc trồng rau sạch để khởi nghiệp, đem lại nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Với mục đích ban đầu là trồng rau để đáp ứng nhu cầu ăn uống của gia đình, năm 2013, chị Trang đã chuyển đổi một phần diện tích đất trống sang trồng các loại rau xanh. Để tạo ra được nguồn thực phẩm sạch bảo đảm sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, chị Trang đã tìm tòi và học hỏi quy trình sản xuất rau sạch như cách xử lý đất, bón phân hữu cơ, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học làm từ tỏi, ớt, rượu để phòng trừ sâu bệnh cho rau…

Chị Trang dùng thuốc trừ sâu sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho rau.
Chị Trang dùng thuốc trừ sâu sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho rau.

Ban đầu việc trồng rau của chị chỉ phục vụ cho gia đình, người thân và bà con lối xóm, tuy nhiên ngày càng có nhiều người tìm đến tận nơi hỏi mua rau. Thấy việc trồng rau có thể đem lại nguồn thu nhập khá nên chị đã quyết định chuyển 3 sào đất trồng cà phê già cỗi sang trồng các loại rau như dưa leo, su hào, cải cay, đậu cô ve... Nhờ nắm vững kỹ thuật, chăm sóc rau theo hướng sạch, nên vườn rau sinh trưởng và phát triển tốt, lứa rau đầu tiên đã giúp chị Trang lãi hơn 12 triệu đồng. Đến nay, vườn rau của chị được nhiều người biết đến, tin tưởng sử dụng và có nhiều mối đặt hàng. Nghề trồng rau đã đem lại cho chị nguồn thu nhập ổn định, trung bình mỗi ngày chị xuất ra thị trường từ 50-70 kg rau củ các loại. Chị Trang đang có kế hoạch vận động một số chị em trong buôn cùng nhau liên kết trồng rau sạch để phát triển kinh tế.

Với tinh thần “dám nghĩ dám làm”, sự nỗ lực của bản thân như chị Hoa, chị Trang đã khởi nghiệp thành công, trở thành những tấm gương tiêu biểu cho phong trào phụ nữ khởi nghiệp. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân, khẳng định được vị thế của mình trong xã hội mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương; đồng thời tạo động lực cho nhiều chị em tự tin khởi nghiệp vươn lên thoát nghèo.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc