Multimedia Đọc Báo in

Sức vươn ở vùng đạt chuẩn nông thôn mới

08:29, 01/05/2018

Những ngày này có dịp trở lại xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) bỗng thấy ngỡ ngàng trước những đổi thay nơi đây.

Các con đường liên thôn, buôn được đổ bê tông, rải đá dăm rộng rãi, sạch đẹp trải dài dọc theo khu dân cư, nhiều ngôi nhà kiên cố, cao tầng đua nhau mọc lên; từng vườn cây xanh mướt, trĩu quả... Bức tranh đẹp với những gam màu sáng ấy là thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nhìn lại xuất phát điểm cách đây hơn 7 năm - khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng NTM, Hòa Xuân là một xã thuần nông, cơ cấu kinh tế chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp với tỷ trọng hơn 78%. Giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng, trường, trạm còn nhiều thiếu thốn. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 13,6%.

Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nguyễn Đức Thuận  (thứ hai  bên phải) thăm mô hình làm kim  châm cứu  ở buôn  Đrai H’linh.
Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nguyễn Đức Thuận (thứ hai bên phải) thăm mô hình làm kim châm cứu ở buôn Đrai H’linh.

Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nguyễn Đức Thuận nhớ lại: Đứng trước những khó khăn, thách thức khi ấy, Đảng ủy, UBND xã đã đề ra các mục tiêu phát triển, với quyết tâm đổi mới bộ mặt nông thôn xã. Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng NTM của xã được thành lập, kiện toàn; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân hiểu và tham gia xây dựng NTM. Song song đó, xã đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ vốn để xóa đói giảm nghèo, làm tốt công tác vệ sinh môi trường trong từng gia đình, khu dân cư...

Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp và được sự đồng thuận của nhân dân, từ khởi điểm (năm 2011) chỉ đạt 7/19 tiêu chí, đến năm 2016, Hòa Xuân đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quy hoạch, đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, khang trang. Các trục đường giao thông nông thôn đã được nhựa hóa và bê tông hóa. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm, từ 14,1 triệu đồng năm 2011 đã tăng lên 27,9 triệu đồng vào năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,8%...

Đường giao thông thôn 1 (xã Hòa Xuân) do Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Đường giao thông thôn 1 (xã Hòa Xuân) do Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Từ những kết quả đạt được trong xây dựng NTM đã tạo nền tảng, sức bật để Hòa Xuân phát triển mạnh mẽ hơn, không chỉ đạt chuẩn mà còn nâng cao chất lượng 19 tiêu chí NTM. Xã phấn đấu đến năm 2020 trở thành địa phương phát triển toàn diện, bền vững. Trong đó nhiều nội dung quan trọng đã được đề ra: phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tập trung huy động các nguồn lực trong và ngoài địa bàn; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh phát triển công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn đi đôi với việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội, chăm lo phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế. Tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm; nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh; bảo đảm ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

 

“Cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Hòa Xuân luôn xác định rõ nhiệm vụ xây dựng NTM là quá trình liên tục, thường xuyên và lâu dài bởi mục tiêu chương trình mang lại chính là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn…”. 

 
 
Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nguyễn Đức Thuận

Theo đó, nhiều mô hình đa cây, đa con với các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao được hình thành, nhân rộng, cùng với đó là ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Năm 2017, sản lượng lương thực của xã đạt 4.602 tấn; sản lượng cà phê 1.748 tấn; đàn trâu, bò hơn 1.200 con; đàn heo hơn 6.100 con; đàn gia cầm 29.000 con... Dịch vụ thương mại đã có bước tiến, doanh thu đạt 18,17 tỷ đồng. Tổng giá trị kinh tế của xã đạt trên 226,55 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 10,92%; thu nhập bình quân đầu người 29,97 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,2%...

Những con số thay đổi theo hướng tích cực trong vòng một năm sau khi đạt chuẩn NTM đã khẳng định sức vươn mạnh mẽ của vùng đất này. Thành tựu xã Hòa Xuân đã duy trì và giữ vững trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội có sự nỗ lực vượt khó vươn lên của nhân dân các dân tộc sinh sống trên địa bàn 8 thôn, buôn trong xã. Cùng lãnh đạo UBND xã đến thăm một số mô hình phát triển kinh tế, được tận mắt chứng kiến và trò chuyện cùng bà con, chúng tôi thấy được những đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm. Chị H’Dưm Byă, người dân buôn Đrai H’linh (xã Hòa Xuân) bày tỏ: “Bây giờ bà con buôn mình chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, chịu khó tìm hiểu các mô hình hiệu quả. Nhiều gia đình có thu nhập cao, mua sắm đầy đủ phương tiện sinh hoạt, sản xuất; đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao hơn rất nhiều...”.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.