Multimedia Đọc Báo in

Nông dân trồng bơ thời @

09:40, 27/04/2018

Những năm gần đây, nhờ có Internet mà nhiều nông dân đã tự trau dồi  kiến thức cho bản thân thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo và các trang web chuyên về cách chăm sóc cây trồng vật nuôi...

Từng trải qua nhiều lần mất mùa bơ Booth do chưa nắm vững quy trình kỹ thuật chăm sóc dòng bơ này, ông Bành Viết Tùng, ngụ tại thôn 4, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) đã gặp không ít khó khăn trở ngại khi hàng trăm cây bơ trong vườn liên tiếp không đậu trái. Không chịu đầu hàng, ông Tùng bắt đầu lên mạng vào các trang chuyên về cây bơ Booth, nắm bắt thông tin tìm hiểu nguyên do dẫn đến kết cục trên. Đồng thời, ông Tùng gặp gỡ, tập hợp những “lão nông” cùng ý tưởng lập nhóm tổ chức các chuyến tham quan mô hình canh tác bơ hiệu quả ở nhiều địa phương khác về áp dụng vào vườn mình. Từ trải nghiệm thực tế cộng với sự tư vấn của những người trong nhóm, ông đã tích lũy được những kiến thức quý giá để áp dụng trong kỹ thuật chăm sóc cây bơ Booth. Cụ thể, ông chú trọng khâu lập sổ nhật ký cập nhật ghi chép sự sinh trưởng của cây bơ theo từng giai đoạn, khi nào cần bổ sung dưỡng chất, khi nào kìm hãm cây ra hoa… từ đó nắm được quy trình phát triển của cây bơ. Ngoài việc thích hợp với thổ nhưỡng, sự phát triển của cây bơ con phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: thời tiết, cách xử lý cành, nguồn dinh dưỡng từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn ra hoa. Điển hình như đợt tháng 3 vừa rồi, sau thời gian nắng nóng kéo dài bỗng dưng xuất hiện trận mưa đột ngột đúng thời kỳ cây bơ đang ra hoa, nhằm tránh tình trạng cây bơ bị sốc nhiệt  ông phải xử lý ngay bằng cách xịt rửa cây trong đêm mới giữ được tỷ lệ đậu trái.

Ông Bành Viết Tùng chia sẻ  kỹ thuật giúp cây bơ đậu trái.
Ông Bành Viết Tùng chia sẻ kỹ thuật giúp cây bơ đậu trái.

Với mong muốn hướng đến canh tác nông nghiệp bền vững từ việc trồng xen canh cây bơ với các loại cây trồng khác, cũng như ông Tùng, anh Trần Xuân Trung ở thôn 3, xã Ea Kpam (Cư M’gar) đã dày công tự mày mò học hỏi kiến thức từ trên mạng Internet bí quyết làm sao giúp cây bơ, sầu riêng phát triển tốt, ra hoa đậu trái và phòng trừ được các sâu bệnh hại… Nhờ chịu khó cùng sự quyết tâm, anh Trung đã trang bị hiểu biết về cách chăm sóc cây trồng và áp dụng hiệu quả. Năm 2017, từ hơn 100 gốc bơ 4 - 5 tuổi, anh thu  hơn 160 triệu đồng sau khi  trừ các chi phí đầu tư ban đầu. Anh Trung chia sẻ: “Năm nay bơ của tôi sai trái gấp đôi năm ngoái, giờ chỉ mong sao kỳ thu hoạch sắp tới sẽ tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm”.

Anh Trung vui mừng nhìn cây bơ sai trái.
Anh Trung vui mừng nhìn cây bơ sai trái.

Ngoài việc chăm sóc bơ một cách khoa học, anh Trung còn chủ động kỹ thuật ép cây ra hoa sớm, bán đầu mùa giá cao hơn. Đồng thời tự học cách lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm nhằm giảm tối đa tiền đầu tư phân bón cũng như công chăm sóc. Điều này không chỉ giúp vườn cây phát triển xanh tốt mà còn giảm được khá nhiều chi phí đầu tư ban đầu.

Có thể thấy làm nông nghiệp thời hiện đại không chỉ dựa vào lối canh tác truyền thống mà cần học hỏi, cập nhật kỹ thuật chăm sóc có khoa học, trong đó Internet  là một kênh thông tin hiệu quả.

Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.