Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui từ thương hiệu lúa gạo huyện Lắk

10:05, 28/04/2018

Về vựa lúa huyện Lắk vào những ngày tháng 4, chúng tôi được chứng kiến niềm vui của người dân nơi đây khi lần đầu tiên một thương hiệu gạo của cánh đồng buôn Triết được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và chỉ dẫn địa lý…

Niềm vui từ một thương hiệu

Chúng tôi gặp ông Đoàn Văn Ương, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Đồng Nhất, xã Buôn Triết (huyện Lắk) khi ông đang tiến hành đóng gói các bao gạo đạt chuẩn VietGAP, mang thương hiệu “Gạo Sạch Đồng Nhất” và chỉ dẫn địa lý ngay trên bao bì. Như một người sành sõi, ông Ương rút trong túi chiếc điện thoại thông minh đã cài đặt chương trình Agricheck và kiểm tra, ngay lập tức trên màn hình xuất hiện đầy đủ thông tin của bao gạo, gồm: tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, đơn vị cung cấp, địa chỉ, số điện thoại… Ông Ương hồ hởi khoe: “Giờ đây chỉ cần một người mua hàng ở bất kỳ nơi đâu, chỉ cần họ dùng điện thoại thông minh kiểm tra mã là biết ngay sản phẩm đã được chứng nhận của HTXNN Đồng Nhất…”.

Ông Nguyễn Văn Thanh (bên phải) cùng cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Lắk kiểm tra giống lúa tím được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Thanh (bên phải) cùng cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Lắk kiểm tra giống lúa tím được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Ương đã có một đời gắn bó với cây lúa của huyện Lắk từ thời  khai phá cánh đồng buôn Trấp, buôn Triết vùng Krông Ana, Lắk những năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam.  Cả một đời làm lúa, ông nhận thấy ngày càng nhiều người sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học… bừa bãi, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của gạo huyện Lắk. Năm 2010, ông Ương quyết định thực hiện cải tạo đất và thực hành làm lúa theo phương pháp hữu cơ trên diện tích 4 ha ở thôn Buôn Tung, xã Buôn Tría. Vận động thuyết phục các xã viên thì đến năm 2015 có thêm 5 thành viên cùng làm và diện tích tăng lên 10 ha. Ông Ương chia sẻ: “Làm lúa hữu cơ vất vả hơn nhiều so với cách làm trước đây, như cách làm đất phải kỹ hơn, chỉ dùng các loại phân bón sinh học, hữu cơ, vi sinh để không ảnh hưởng, ô nhiễm đến chất lượng đất, nước và cây lúa”. Ông Nguyễn Xuân Bính, thành viên HTX nói rằng, làm lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP vất vả hơn so với cách làm lúa thông thường, xem như hai, ba năm đầu người dân chỉ hòa vốn là cao. Tuy nhiên, sau giai đoạn đầu, năng suất lúa sẽ tăng dần, với chi phí chăm bón rẻ hơn.

Không phụ công chăm sóc, cuối năm 2017, thương hiệu “Gạo Sạch Đồng Nhất” đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, với 10 ha của HTXNN Đồng Nhất thu được 60 tấn, đạt chất lượng VietGAP và chào hàng nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Nông… Ông Ương bày tỏ: “Thời gian tới chúng tôi đang tích cực vận động thêm xã viên tham gia và tăng diện tích sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Vietgap lên 20 ha. Hiện nay, nhiều công ty, đơn vị trong  nước sau khi theo dõi chứng nhận địa lý đã liên hệ đặt hàng với giá từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, cao hơn gần gấp đôi so với giá thông thường… Đây chính là niềm vui và động lực để chúng tôi tiếp tục phát triển thương hiệu gạo sạch của vùng đất này”.

Đa dạng hoa sản phẩm theo tiêu chuẩn Vietgap

Nhằm đa dạng thương hiệu lúa gạo huyện Lắk, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện cũng đã chủ động vận động người dân triển khai thêm nhiều mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn Vietgap, trong đó có mô hình lúa tím thảo dược lần đầu tiên được triển khai. Tham gia mô hình này, nông dân được tập huấn, hỗ trợ toàn bộ giống, vật tư phân bón và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Thanh, thôn Liên Kết 2 (xã Buôn Tría) vui vẻ chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên gia đình triển khai sản xuất giống lúa tím thảo dược trên diện tích 5.000 m2 theo quy trình sản xuất tiên tiến, tiến tới mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap”. Cũng theo ông Thanh thì giống lúa tím thảo dược sinh trưởng và phát triển rất tốt, đẻ nhánh khỏe, đặc biệt là chưa có sâu bệnh gì xảy ra; dự kiến năng suất đạt khoảng 60 -  65 tạ/ha.

Ông Đoàn Văn Ương (bên phải) cùng cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Lắk kiểm tra chỉ dẫn địa lý của thương hiệu Gạo Sạch Đồng Nhất.
Ông Đoàn Văn Ương (bên phải) cùng cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Lắk kiểm tra chỉ dẫn địa lý của thương hiệu Gạo Sạch Đồng Nhất.

Ông Nguyễn Trọng Trung, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, theo Viện Nghiên cứu Lúa Đại học Nông Nghiệp Hà Nội thì gạo tím thảo dược nguyên cám có thành phần dinh dưỡng rất cao, như: protein, chất xơ, vitamin B1, B3, B6, axit béo Omega 3, Omega 6; khoáng chất và chứa nhiều hoạt chất sinh học chống oxy hóa mạnh… cực kỳ tốt cho sức khỏe.

Lúa huyện Lắk đã và đang khẳng định thương hiệu của mình với việc áp mô hình sản xuất theo chuẩn Vietgap và chỉ dẫn địa lý. Đây chính là động lực để cán bộ cơ sở và người nông dân dần thay đổi quan điểm, nhận thức trong công tác chỉ đạo, điều hành, canh tác theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn, hiệu quả. Ông Trung bày tỏ: “Thời gian tới Phòng NN-PTNT huyện sẽ triển khai nhân rộng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Vietgap trên địa bàn, hình thành những vùng sản xuất được ứng dụng nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật. Từ đó, đưa thương hiệu gạo Lắk phát triển nhanh và bền vững có sức cạnh tranh cao, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cộng đồng…” .

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.