Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập cao từ cây chanh dây

08:55, 05/05/2018

Cũng như nhiều hộ khác ở địa phương, trước đây gia đình anh Đỗ Văn Cường (thôn 2, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) trồng cà phê trên diện tích 2,6 sào.

Tuy nhiên, do chất đất không phù hợp, cây cà phê ngày càng già cỗi, nhiều sâu bệnh và cho năng suất thấp, mỗi năm gia đình chỉ thu được 6 tạ cà phê tươi, giá cả lại bấp bênh nên hiệu quả kinh tế không cao, năm mất mùa thu chỉ vừa đủ chi. Gia đình anh Cường đã tiến hành nhổ bỏ cà phê cũ và trồng mới nhưng năng suất cũng không được cải thiện nhiều. Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu, nhận thấy trồng cây chanh dây mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, công chăm sóc không nhiều, tháng 5-2017 anh Cường bàn bạc với vợ phá bỏ toàn bộ vườn cà phê và đưa 265 cây chanh dây vào trồng. Anh cũng là một trong những hộ đầu tiên ở địa phương đưa cây chanh dây vào trồng.

Vườn chanh dây của gia đình anh Đỗ Văn Cường.
Vườn chanh dây của gia đình anh Đỗ Văn Cường.

Tuy là giống cây mới trồng tại địa phương song nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật, từ khâu xử lý đất, chọn giống đến trồng và chăm sóc nên vườn chanh dây của gia đình anh Cường sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, cho quả to, chất lượng quả ngon không kém gì những vườn đã kinh doanh nhiều năm. Sản phẩm chanh dây của gia đình anh rất được thị trường ưa chuộng, các thương lái và nhiều hộ dân ở địa phương tìm đến tận vườn để thu mua với giá từ 8.000 – 20.000 đồng/kg, đặc biệt có thời điểm đạt 36.000 đồng/kg.

Trong đợt thu hoạch đầu tiên, anh Cường đã thu được 6 tấn chanh dây, dù giá bán có thời điểm đạt thấp, chỉ vài nghìn đồng/kg nhưng cũng mang về hơn 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình vẫn có được nguồn thu nhập khá. Hiện nay, vườn chanh dây của gia đình anh đang cho thu hoạch đợt hai, định kỳ hai ngày thu một lần, mỗi lần từ 250 - 300 kg. Đến nay, anh đã thu được gần 1 tấn chanh dây, với giá bán hiện là 16.000 đồng/kg cũng mang đến cho gia đình hơn 15 triệu đồng… Anh Cường lạc quan: “Đợt hai này, cây cho trái sai và đều, do vậy sản lượng chắc chắn cao hơn, dự kiến sẽ đạt 7 - 8 tấn. Hiện đang là mùa khô, giá của chanh dây rất ổn định, ước tổng thu nhập của gia đình trong đợt này sẽ đạt 100 triệu đồng, thu nhập cao hơn mấy lần so với cây cà phê…”.

Anh Cường chia sẻ, cây chanh dây rất dễ trồng, ít bị sâu bệnh, người trồng chỉ cần thường xuyên thăm vườn, nhằm kịp thời phát hiện và điều trị tốt một số bệnh thường gặp như: nấm, bã trầu, phấn trắng… Chanh dây trồng sau 4 tháng đã cho thu hoạch, nếu chăm sóc tốt có thể thu được 3 đợt/năm và kéo dài từ 2 - 3 năm.

Có thể nói, trong điều kiện giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp, đầu ra không ổn định, việc trồng cây chanh dây mang lại hiệu quả của anh Đỗ Văn Cường đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con nông dân ở địa phương.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.