Multimedia Đọc Báo in

Tìm giải pháp phát huy nguồn nhân lực khuyến nông viên cơ sở

08:53, 03/05/2018

Những năm qua, lực lượng khuyến nông viên (KNV) cơ sở đã phát huy vai trò gắn bó sâu sát với nông dân trong việc triển khai các mô hình, ứng dụng khoa học vào sản xuất. Tuy nhiên, việc phát huy nguồn nhân lực KNV cơ sở vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Nguồn lực lớn

Theo Nghị quyết 41/2011/NQ-HĐND, ngày 22-12-2011 của HĐND tỉnh về xây dựng hệ thống KNV cơ sở tỉnh Đắk Lắk (NQ 41) thì mỗi xã, phường, thị trấn có sản xuất nông nghiệp sẽ có 1-2 KNV là những người đã qua đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học thuộc các ngành liên quan đến lĩnh vực nông – lâm – ngư   nghiệp - thủy lợi; mỗi thôn, buôn có 1 cộng tác viên (CTV) khuyến nông có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Những vùng không có người có trình độ trên thì tuyển chọn người có trình độ học vấn cao nhất, ưu tiên các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, người thông thạo tiếng dân tộc thiểu số tại chỗ, có sức khỏe, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp hoặc đã tham gia các tổ chức đoàn thể ở cơ sở như trưởng, phó thôn, buôn; Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… Tất cả KNV đều được tham gia chương trình tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao trình độ kiến thức, tay nghề trong sản xuất do cơ quan chuyên ngành tổ chức, được cung cấp các thông tin, tài liệu kinh tế - kỹ thuật phục vụ cho công tác chuyên môn; được làm các dịch vụ khuyến nông…

Người dân tham quan mô hình khuyến nông về giống ngô mới ở huyện Cư M’gar.
Người dân tham quan mô hình khuyến nông về giống ngô mới ở huyện Cư M’gar.

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông, toàn tỉnh hiện có 2.321 KNV cơ sở, trong đó có 208 KNV cấp xã, 2.113 CTV khuyến nông thôn, buôn. Đây là nguồn nhân lực tại chỗ “tinh nhuệ” của ngành Nông nghiệp, bởi đa số KNV đều nắm bắt được điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn mình quản lý và có tiếng nói nhất định nên có thể chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Đồng thời, trực tiếp nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân để tham mưu cho ngành chức năng xây dựng kế hoạch khuyến nông trên địa bàn sát với tình hình thực tế của địa phương.

Còn nhiều bất cập trong  cơ chế chính sách

Theo phân tích của các chuyên gia thì xây dựng đội ngũ KNV cơ sở đã khó,  phát huy nguồn lực này lại càng khó hơn, bởi nguồn kinh phí dành cho hoạt động đào tạo nâng cao tay nghề KNV cơ sở hằng năm rất hạn hẹp. Trong khi đó khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, các công nghệ, kỹ thuật sản xuất, giống cây, con mới lại thay đổi liên tục nên quá trình tiếp nhận, chuyển giao chưa đạt như mong muốn. Chưa hết, đối tượng KNV cơ sở do xã tuyển dụng là những cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thậm chí có những KNV cơ sở có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, nhưng mức chi trả lại rất thấp (hệ số 1.0 đối với KNV cấp xã và 0,35 đối với CTV khuyến nông thôn, buôn). Do đó, đa số các KNV cơ sở không chú trọng việc đào tạo và tự đào tạo nâng cao tay nghề. Trong khi đó địa bàn phụ trách rộng, lượng công việc lớn nên nhiều KNV cơ sở không mấy mặn mà với công việc này. Ông Ngô Nhân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, KNV cơ sở do xã tuyển chọn, sau khi hoàn thành lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp với các kỹ năng mềm cần thiết sẽ được cấp Giấy Chứng nhận KNV cơ sở. Khi có Giấy Chứng nhận rồi các KNV mới được thực hiện các quyền, nhiệm vụ theo quy định. Tuy nhiên mức thù lao cho KNV cơ sở chưa tương xứng nên số lượng, đối tượng là KNV cơ sở thay đổi thường xuyên khiến việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho các KNV cơ sở vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Cán bộ khuyến nông huyện Lắk hướng dẫn khuyến nông viên xã Đắk Phơi chăm sóc hồ tiêu.
Cán bộ khuyến nông huyện Lắk hướng dẫn khuyến nông viên xã Đắk Phơi chăm sóc hồ tiêu.

Trong bối cảnh khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay, việc tận dụng nguồn nhân lực KNV cơ sở trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là giải pháp nhanh, gọn để có thể đạt được kết quả tích cực nhất. Thiết nghĩ, Nhà nước cần có cơ chế phù hợp trong xét tuyển, đào tạo và chi trả thù lao hợp lý để giữ chân các KNV có kinh nghiệm sản xuất, có trình độ cao, tạo điều kiện để KNV cơ sở gắn bó lâu dài với ngành Nông nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc