Xã Bình Hòa gắn trách nhiệm cá nhân trong xây dựng nông thôn mới
Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ lớn, quan trọng đòi hỏi sự chung sức, chung lòng của toàn thể nhân dân nên bên cạnh tận dụng mọi nguồn lực, xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) đã gắn trách nhiệm cá nhân với từng nhiệm vụ cụ thể. Nhờ đó, sau 7 năm thực hiện, diện mạo, đời sống nhân dân từng bước đổi thay và được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017.
Năm 2011, xã Bình Hòa mới chỉ đạt 6 tiêu chí xây dựng NTM, gồm điện, trường học, bưu điện, giáo dục, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị xã hội. Đời sống của người dân còn thấp khi mức thu nhập bình quân chỉ đạt hơn 18 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 18%; tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 54%; hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng mới chỉ đáp ứng được 20% so với yêu cầu. Do đó, việc thực hiện 13 tiêu chí còn lại gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các tiêu chí về cơ sở vật chất như đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa…
Trước thách thức đó, xã chọn phương châm tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phát huy nội lực của địa phương bằng cách tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ các Quỹ hỗ trợ nông dân, phòng chống thiên tai, Chương trình khuyến nông… để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Các mô hình sản xuất mới như thâm canh ngô lai, khoai lang Nhật, cá lóc đen, rô phi đầu vuông, cá lăng hay sản xuất các giống lúa chất lượng cao HT1, OM4900, OM5451, Đài thơm 8… được xây dựng và nhân rộng đã từng bước thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn, từng bước nâng cao năng suất, gia tăng thu nhập cho người dân. Nhờ đó, năm 2015 xã cơ bản hoàn thành tiêu chí thu nhập khi mức thu nhập bình quân của người dân đạt gần 28,5 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 10 triệu đồng so với năm 2011.
Nông dân xã Bình Hòa đóng góp công sức, tiền của làm đường giao thông nội đồng tại cánh đồng Bàu Sen. |
Đến tháng 9-2017, toàn xã vẫn còn 3 tiêu chí giao thông, thủy lợi, chợ nông thôn chưa hoàn thành trong khi mục tiêu đạt chuẩn vào cuối năm 2017 đang cận kề. Đây là những tiêu chí khó nhất, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí đầu tư tương xứng và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Theo chỉ đạo của UBND huyện, xã tiến hành giao việc cho từng cán bộ phụ trách lĩnh vực được theo dõi và phân công địa bàn thực hiện. Trưởng ban tự quản 7 thôn là thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã (nay là Ban Quản lý thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia cấp xã), phải trực tiếp tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Chương trình xây dựng NTM đến từng người dân; vận động nhân dân tích cực tham gia thông qua việc ủng hộ ngày công lao động, hiến đất làm đường, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường sạch đẹp; tổng hợp tình hình, báo cáo đột xuất, định kỳ cho Ban Chỉ đạo xã... Nhờ đó, các khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ kịp thời, nguồn nội lực từ sức dân được phát huy tối đa khi góp công sức, tiền của xây dựng các tuyến đường giao từ cầu treo Ea Chai đến khu dân cư thôn 6, Ea Chai đi trạm bơm 3 (dài 910 m), Cầu Phao đi thôn 6 (dài 2.578 m), đường vào 69 hộ dân tái định cư (dài 123 m), đường thôn 1, 4 (1.530 m)… Song song đó, các công trình như hội trường thôn 1, nhà văn hóa xã, chợ Thăng Bình II với tổng vốn đầu tư hơn 2,4 tỷ đồng được triển khai đồng bộ đã từng bước thay đổi diện mạo nông thôn địa phương. Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ đường giao thông nông thôn ở Bình Hòa được cứng hóa đạt từ 47-66%; 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn; trên 99% trẻ em được đến trường theo độ tuổi; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,6%; thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người/năm…
Cán bộ nông nghiệp xã Bình Hòa hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa đông xuân 2017-2018. |
Với những nỗ lực đó, xã Bình Hòa đã được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn NTM năm 2017. Để giữ vững xã đạt chuẩn NTM trong thời kỳ mới và từng bước nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn, Bình Hòa xác định tiếp tục triển nâng cao thu nhập cho người dân thông qua hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và tổ chức sản xuất hợp lý; lồng ghép các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình hỗ trợ từ các nguồn vốn gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao chất lượng bộ máy chỉ đạo, điều hành về chất và lượng…
Tổng nguồn vốn huy động sau 7 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM là hơn 138,2 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp gần 81 tỷ đồng (chiếm 59% tổng nguồn vốn); ngân sách Trung ương, huyện, tỉnh, xã gần 20 tỷ đồng (14%); vốn tín dụng hơn 20,5 tỷ đồng (gần 15%); vốn lồng ghép 16,6 tỷ đồng (12%). |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc