Còn nhiều bất cập trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi
Tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh đang là việc làm cấp bách để phát triển chăn nuôi bền vững. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện diễn ra rất chậm vì phải đối mặt với khá nhiều bất cập...
Những năm gần đây, phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh duy trì tương đối ổn định, tính riêng tháng 6 đầu năm 2018 tổng đàn gia súc đạt trên 1 triệu con và trên 10 triệu con gia cầm. Tốc độ phát triển bình quân giai đoạn 2014-2018 gồm: trâu 3,23%; bò 7,34%; heo 0,31%; gia cầm 2,28%. Nhìn chung, chỉ số phát triển đàn gia súc, gia cầm năm sau tăng so với năm trước, riêng đàn heo năm 2017 có sự giảm sút đáng kể về quy mô đàn. Nguyên nhân chính do từ năm 2016 đến nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi heo bắt đầu chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực, sản phẩm sản xuất ứ đọng, giá thịt heo hơi liên tục giảm sâu và kéo dài phần nào ảnh hưởng đến khả năng duy trì sản xuất, người chăn nuôi thua lỗ và buộc phải cắt giảm quy mô đàn.
Chăn nuôi bò quy mô nông hộ ở xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột. |
Một vấn đề gây khó khăn cho ngành chăn nuôi nữa là quy mô nông hộ, nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 75-80%). Đây là hình thức sản xuất khó quản lý nhất hiện nay do chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan. Sản xuất chăn nuôi nông hộ mang tính chất nhỏ lẻ, thiếu sự đầu tư, hạn chế về mọi mặt như: chuyên môn kỹ thuật, kiến thức khoa học kỹ thuật, thông tin về thị trường, hoạt động xả thải chưa được chú trọng… ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống xung quanh.
Để đáp ứng được mục tiêu tái cơ cấu ngành chăn nuôi là tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị sản xuất nhưng đồng thời cũng phải kiểm soát được đối với chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, Sở NN-PTNT đã tập trung triển khai Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, chính sách này gặp nhiều khó khăn khi thực hiện trên địa bàn tỉnh do nhiều nguyên nhân. Trước hết là nhu cầu được nhận hỗ trợ rất nhiều nhưng nguồn vốn bố trí lại thấp. Từ khi Quyết định có hiệu lực (1-1-2015) đến nay, nguồn ngân sách Trung ương mới phân bổ được 5,1 tỷ đồng cho tỉnh để triển khai, trong khi ngân sách tỉnh không có khả năng bố trí. Bên cạnh đó, các thủ tục, hồ sơ hỗ trợ còn nhiều vướng mắc, không thuận lợi khi áp dụng triển khai; các quy định được hưởng hỗ trợ còn chưa hợp lý, đơn cử như đối với các hộ chăn nuôi lợn nái, để được hưởng hỗ trợ về liều tinh phải làm rất nhiều thủ tục, trong khi mức hỗ trợ thì thấp nên hầu hết các hộ chăn nuôi lợn nái không mặn mà, ngại khó khăn khi làm thủ tục.
Riêng đối với chăn nuôi quy mô lớn theo hướng nâng cao giá trị, liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất, mặc dù quy mô chăn nuôi đã có bước chuyển mình từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung quy mô trang trại nhưng tỷ lệ chưa cao, chiếm khoảng 20-25% trong sản xuất chăn nuôi, với 578 trang trại và 6 HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi tổ và chưa phát huy rõ nét trong vai trò liên kết sản xuất. Ngoài ra, hiện có 8 doanh nghiệp đang triển khai các dự án đầu tư chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên do quỹ đất sạch gần như không đảm bảo, việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn đã làm ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp.
Cán bộ chăn nuôi đi bình tuyển heo đực giống để rà soát lại chất lượng đàn heo giống trên địa bàn tỉnh. |
Rõ ràng, với nhiều vướng mắc nêu trên đã khiến kết quả triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi đạt thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Để tháo gỡ những khó khăn, Sở NN-PTNT đề nghị các cấp, ngành, tổ chức liên quan sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý lĩnh vực chuyên môn, hướng dẫn cụ thể để các địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện. Đồng thời, quan tâm, bố trí nguồn vốn để triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi; bố trí kinh phí, triển khai mẫu một vài mô hình sản xuất chăn nuôi liên kết nhằm giúp Đắk Lắk tiếp cận với cách thức tổ chức cũng như hình thành nên sản phẩm chủ lực của tỉnh…
Theo mục tiêu của tái cơ cấu ngành chăn nuôi, tiếp tục phát triển mạnh sản xuất chăn nuôi, coi chăn nuôi là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, giai đoạn 2016 – 2020 giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 7%/năm; giai đoạn 2021 – 2030 giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 6%/năm; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 24% vào năm 2020 và 25% vào năm 2030; tăng quy mô và tỷ trọng chăn nuôi trang trại và công nghiệp đạt 25- 30% tổng giá trị sản lượng chăn nuôi năm 2020, đạt 45 – 50% vào năm 2030… |
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc