Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng chống hạn cho cây trồng vụ hè thu

08:56, 20/08/2018
Vụ hè thu năm 2018, huyện M’Đrắk tiến hành gieo trồng trên 24.540 ha cây trồng các loại, đạt 100,75% kế hoạch; trong đó, cây hằng năm 19.510 ha (đạt 103% kế hoạch) gồm: lúa nước 2.084 ha, ngô 3.614 ha, sắn 4.608 ha, đậu đỗ các loại 1.156 ha, mía 5.703 ha…
 
Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết khô hạn kèm theo gió mạnh kéo dài, trong khi tổng lượng mưa thấp, đến nay toàn huyện đã có 395 ha cây trồng bị hạn, chủ yếu là lúa nước, tập trung ở các xã Krông Jing, Cư Mta, Ea Trang, Cư San...
 
Điển hình như tại xã Cư Mta, trong số 935 ha cây trồng các loại vụ hè thu, hiện đã có hơn 54 ha lúa bị hạn do công trình thủy lợi Ea Má phục vụ nước tưới cho 37 ha lúa đã hết nước từ đầu tháng 7, cánh đồng công trình Ea Ktung Xây 17 ha cũng đã cạn từ cuối tháng 7. 
 
Nạo vét kênh mương dẫn nước về cánh đồng Đoàn Kết và cánh đồng Tổ dân phố 1 (thị trấn M’Đrắk).
Nạo vét kênh mương dẫn nước về cánh đồng Đoàn Kết và cánh đồng Tổ dân phố 1 (thị trấn M’Đrắk).
Ông Bùi Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Cư Mta, cho hay: Để đảm bảo nước tưới cho diện tích cây trồng, UBND huyện đã hỗ trợ địa phương máy bơm, người dân đóng góp kinh phí mua nhiên liệu, thành lập tổ máy bơm tiến hành phân ca túc trực cấp nước 24/24 giờ vào hệ thống kênh mương đưa nước về ruộng. Tuy nhiên, nguồn lực còn hạn hẹp, cánh đồng đang thiếu nước, mực nước ở các công trình thủy lợi cũng đang dần cạn kiệt khiến người nông dân rất lo lắng. 
 
Qua khảo sát, mực nước tại các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện M’Đrắk đã và đang tiếp tục giảm mạnh, hiện thấp hơn cao trình ngưỡng tràn từ 0,4 - 2 m. Theo ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk chi nhánh huyện M’Đrắk, điều đáng lo ngại là hầu hết các công trình xây dựng đã lâu dẫn đến tình trạng bồi lắng nên lượng nước chứa không bảo đảm; mặt khác, dòng chảy trên các sông, suối thiếu hụt, nhiều công trình không có nguồn sinh thủy tự nhiên nên khi nước dự trữ trong đập cạn thì khó có khả năng tái tạo để duy trì nguồn tưới cho cây trồng. 
 
Một phần công trình thủy lợi đập Krông Jing, xã Cư Mta nước đã cạn đến tận đáy.
Một phần công trình thủy lợi đập Krông Jing, xã Cư Mta nước đã cạn đến tận đáy.
Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M’Đrắk, cho biết: Trước tình hình hạn hán xảy ra và có nguy cơ lan rộng, huyện đã đẩy nhanh tiến độ sửa chữa các hạng mục công trình bị hư hỏng để phục vụ sản xuất; đồng thời, tăng cường các giải pháp hỗ trợ nhân dân khắc phục hạn hán như bố trí 8 máy bơm hoạt động liên tục tại các công trình đập Krông Jing, đập Ea Má (xã Cư Mta), công trình Ea Bôi, Ea Ktung, Ea Kpal (xã Krông Jing)... và bố trí lịch tưới luân phiên cho các cánh đồng; hướng dẫn bà con tăng cường công tác thủy lợi, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy tránh thất thoát nguồn nước. UBND huyện M'Đrắk cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Công ty Thủy nông Đắk Lắk hỗ trợ thêm máy bơm, nhiên liệu chống hạn và khắc phục thiệt hại do hạn hán. Cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, bà con nông dân cũng tích cực chống hạn bằng cách huy động các nguồn lực bơm hút nước từ các đập, sông suối nhỏ vào đồng ruộng. 
 
Huyện M’Đrắk hiện có 63 công trình thủy lợi, trong đó: 53 hồ chứa, 10 đập dâng với 60 km kênh mương, năng lực tưới các công trình đáp ứng 70% diện tích có nhu cầu tưới. Theo báo cáo của ngành chức năng, năm nay mặc dù tình trạng nắng nóng không gay gắt nhưng tổng lượng mưa từ đầu năm 2018 đến nay chỉ đạt 498,2 mm, bằng 67% bình quân của các địa phương trên địa bàn tỉnh, chỉ bằng 49% so với cùng kỳ 2017. 
 
Thu Nguyệt
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.