Multimedia Đọc Báo in

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi

08:31, 30/08/2018

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã nỗ lực tạo điều kiện và cơ hội để hội viên tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, chủ động phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Năm 2012, chị H’Huyên Ayun (buôn Đrai Xí, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (NHCSXH) cho vay 10 triệu đồng. Được các chị em trong Hội chia sẻ nhiều kinh nghiệm phát triển kinh tế cũng như tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chị H’Huyên quyết định tái canh 4 sào cà phê và mở 1 tiệm tạp hóa nhỏ. Đến nay, chị không chỉ trả hết nợ mà còn xây được ngôi nhà khang trang. Trở thành hộ có kinh tế khá tại địa phương, chị H’Huyên nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn trong buôn mua nợ hàng hóa.

Chị H’Huyên là một trong số hàng nghìn hội viên phụ nữ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH thông qua tổ chức Hội Phụ nữ. Để cùng NHCSXH đưa nguồn vốn vay đến đúng đối tượng (tập trung ưu tiên cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách) sử dụng đạt hiệu quả, các cấp Hội Phụ nữ huyện luôn gắn vốn vay của các chương trình với phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp tại từng địa bàn... Trong 6 tháng đầu năm 2018, các cấp Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar đã huy động được trên 2,5 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn vận động trong tổ chức Hội lên trên 20 tỷ đồng, xét cho 1.649 phụ nữ nghèo và cận nghèo vay phát triển kinh tế; khai thác tốt các nguồn vốn thông qua kênh NHCSXH, Ngân hàng NN&PTNT, các chương trình, dự án với số tiền trên 130 tỷ đồng, xét cho gần 6.000 hộ vay.

Cán bộ Hội LHPN thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) kiểm tra việc sử dụng vốn vay ưu đãi của hội viên phụ nữ trên địa bàn.
Cán bộ Hội LHPN thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) kiểm tra việc sử dụng vốn vay ưu đãi của hội viên phụ nữ trên địa bàn.

Hội LHPN thị xã Buôn Hồ cũng là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay, nguồn vốn tăng trưởng nhanh, giải ngân kịp thời, không có nợ quá hạn. Chủ tịch Hội LHPN thị xã Nguyễn Phan Minh Tiết cho hay, để có được kết quả này, các chi hội phụ nữ tại địa phương luôn tích cực tham gia cùng với chính quyền, các đoàn thể xác định đối tượng hộ cận nghèo có đủ điều kiện vay vốn, xác định đối tượng vay vốn theo từng chương trình. Trong quá trình giám sát lẫn nhau giữa các thành viên vay vốn, Hội cũng hỗ trợ kịp thời cho những hộ gặp rủi ro, giải quyết nợ đến hạn, hạn chế thấp nhất tình trạng nợ đọng, nợ quá hạn. Hiện nay, các cấp Hội trên địa bàn thị xã tiếp tục phát động phong trào thi đua thực hành tiết kiệm trong hệ thống Hội với những mô hình cụ thể như tín dụng tiết kiệm, hùn vốn, nuôi heo đất được 317,685 triệu đồng, cho 58 người vay; nhận ủy thác NHCSXH thị xã hơn 82,4 tỷ đồng, với 73 tổ tiết kiệm và vay vốn có 3.230  thành viên tham gia.

Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh hiện đang quản lý hơn 1.373 tỷ đồng nguồn vốn vay ưu đãi với trên 52.000 lượt gia đình hội viên vay; duy trì 1.389 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, nợ quá hạn là hơn 2 tỷ đồng, chiếm 0,15%, không có tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng vốn.

Có thể khẳng định, nguồn vốn ưu đãi đã phần nào giúp cho đời sống của hội viên phụ nữ trong tỉnh có nhiều chuyển biến rõ rệt. Từ những phương thức sản xuất lạc hậu, manh mún, đến nay nhiều chị em đã đầu tư sản xuất quy mô lớn, từng bước thoát nghèo, thu nhập ổn định. Để nguồn vốn thực sự phát huy hiệu quả, ngoài cho vay đúng đối tượng, các cấp Hội còn vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ có những tư duy mới, cách làm mới trong lao động, sản xuất, mạnh dạn tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; tập trung khai thác các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập. Ngoài ra, hằng năm các cấp Hội đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề truyền thống; kỹ thuật chăn nuôi; trồng rau an toàn... cho hàng nghìn hội viên. Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với một số ngành chức năng thành lập các mô hình tổ phụ nữ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển sản xuất góp phần quan trọng vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ Hội LHPN xã Hòa Thành khảo sát nhu cầu vay vốn ưu đãi của hội viên phụ nữ.
Cán bộ Hội LHPN xã Hòa Thành khảo sát nhu cầu vay vốn ưu đãi của hội viên phụ nữ.

Thông qua nguồn vốn ưu đãi, Hội Phụ nữ các cấp đã phát huy được vai trò trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ cho chị em, nhất là hộ gia đình phụ nữ nghèo có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay thuận lợi, giúp chị em phát huy được tính tự chủ trong việc phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần thúc đẩy các phong trào hoạt động của tổ chức Hội.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.